Công nhân không dám nhảy việc, lao động không có việc làm

Công nhân không dám nhảy việc, lao động không có việc làm.

Liên đoàn Lao động TPHCM (LĐLĐ TPHCM) vừa có báo cáo kết quả hoạt động tháng 2 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2023. Trong báo cáo, LĐLĐ TPHCM cho biết, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc trong những ngày đầu năm mới rất cao, chiếm khoảng 95%.

Trong một tháng trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn TPHCM cũng không xảy ra tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể nào.

Tuy nhiên, LĐLĐ TPHCM nhận định bức tranh thị trường lao động không phải chỉ toàn “gam màu sáng”, vẫn còn một số người lao động gặp khó khăn về đời sống, việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm đơn hàng trong khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán và tiếp tục thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

LĐLĐ TPHCM nhắc đến vụ việc nổi bật nhất trong tháng 2 là vụ công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) đã thông báo sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động (khi hợp đồng lao động đã ký hết thời hạn) đối với khoảng 3.000 lao động do ít đơn hàng sản xuất. Ngoài ra, lãnh đạo công ty cũng đã trao đổi cùng công đoàn cơ sở về kế hoạch cắt giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D trong tháng 2/2023.

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Bình Dương. Tỉnh này có đến 96% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp trở lại nhà máy làm việc sau Tết Nguyên đán. Tình hình lao động ổn định nên các nhà máy cơ bản đủ số lao động để đáp ứng dây chuyền sản xuất.

Không nhiều công nhân “nhảy việc”, doanh nghiệp không phải tuyển bù công nhân nghỉ việc sau Tết nên xuất hiện tình trạng lao động phổ thông mới gia nhập thị trường khó tìm việc, nộp đơn nhiều nơi mà vẫn không được công ty nào nhận.

Giữa tháng 2, cảnh hàng trăm người chen lấn nhau để nộp đơn xin việc vào một công ty ở TP Thuận An (Bình Dương) có nhu cầu tuyển dụng vài chục người thể hiện rõ thực trạng này.

Công nhân không dám nhảy việc, lao động mới cạn cửa - 1
Lao động phổ thông khó tìm việc làm sau Tết là hiện tượng lạ tại TPHCM, Bình Dương trong nhiều năm qua (Ảnh minh họa: Phạm Diện).

Theo bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, vào giai đoạn sau Tết Nguyên đán hằng năm, nhu cầu tuyển dụng và tìm việc đều tăng cao 20-40% so với Quý IV năm trước đó. Sau Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu tuyển dụng ở tất cả ngành vẫn tăng nhưng mức tăng trưởng kém hơn.

Nguyên nhân là do khối ngành xuất khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi tình hình thế giới, sụt giảm đơn hàng xảy ra cục bộ ở một số ngành, đặc biệt là các ngành như da giày, dệt may, gỗ, điện tử…

Theo một lãnh đạo hiệp hội dệt may, ngoài tình hình giảm đơn hàng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ít tuyển dụng lao động mới thì việc chuyển dịch lao động cũng góp phần tạo nên bối cảnh thị trường lao động như hiện nay.

Vài năm gần đây, các doanh nghiệp ngành may mặc, da giầy chuyển nhà xưởng về các tỉnh miền Trung, miền Tây để tận dụng nguồn nhân công rẻ hơn các tỉnh, thành công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Những nhà máy mới này không chỉ thu hút lực lượng lao động địa phương, giúp họ không phải di cư đến các thành phố lớn để tìm việc mà còn thu hút cả đơn hàng gia công. Do nhân công rẻ nên giá thành sản xuất của các nhà máy này rẻ hơn so với các nhà xưởng đóng tại các đô thị lớn, đơn hàng gia công cũng đổ về đây ngày càng nhiều hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022 giúp đời sống người lao động tốt hơn, đồng thời cũng tác động đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của giới chủ doanh nghiệp.

Hai khuynh hướng mà doanh nghiệp thâm dụng lao động ở các vùng đô thị lớn có mức lương tối thiểu cao sẽ áp dụng là chuyển dịch nhà máy về địa phương có lương rẻ hơn; hoặc đầu tư tự động hóa để tăng năng suất lao động.

Các doanh nghiệp chuyển dịch nhà máy về các tỉnh sẽ giải quyết được nhu cầu lao động tại chỗ và nhu cầu lao động các ngành này tại các đô thị lớn sẽ giảm, lao động phổ thông ở đây phải dịch chuyển theo nhà máy để có việc làm.

Các doanh nghiệp đầu tư tự động hóa thì cần ít lao động hơn để sản xuất cùng một lượng hàng hóa và chủ yếu là lao động có tay nghề cao để vận hành máy móc. Lao động nào có tay nghề cao hoặc chịu đào tạo lại để có tay nghề thì giữ được công việc, nếu không thì họ phải chấp nhận dịch chuyển về các tỉnh để tìm công việc quen thuộc đã từng làm.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, sự biến động này vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Nếu có lộ trình chuyển đổi tốt, các tỉnh thành trọng điểm hiện nay như TPHCM, Bình Dương… có thể giảm thiểu doanh nghiệp thâm dụng lao động sử dụng lao động phổ thông, thu hút chuỗi doanh nghiệp sản xuất ở bậc cao hơn.

Bình luận