Những ngày cuối năm đến công sở, Trần Kim Anh, 28 tuổi, làm việc tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu phân bón đóng ở quận Bình Thạnh, TPHCM mang nhiều băn khoăn. Trong hai tuần tới, cô sẽ nhận thưởng Tết, theo thông báo là cao hơn 10% so với năm ngoái, ở mức trên dưới 100 triệu đồng. Sẽ không có gì để nói nếu như Anh không có kế hoạch chuyển việc ngay sau Tết, để sang một doanh nghiệp nước ngoài.
Nữ nhân viên chia sẻ, theo quy định của công ty, nhân viên nghỉ việc cần báo trước 30 ngày. Nếu ra Tết chuyển sang nơi mới, cô cần thông báo tới cơ quan quyết định đó từ bây giờ, còn không chỉ còn nước nghỉ bất ngờ, đột ngột. Nhưng Kim Anh chưa dám mở lời vì đây cũng là thời điểm chờ nhận thưởng Tết.
Kim Anh không nắm rõ quy chế lương thưởng của công ty nên lo ngại nếu báo nghỉ việc lúc này sẽ bị cắt thưởng Tết hoặc chí ít cũng mất một phần. Nhưng nếu ra Tết chờ đủ ngày nghỉ thì không kịp nhận việc nơi mới, nghỉ đột ngột quá lại không chuyên nghiệp và cũng áy náy với công ty.
“Im thì khó chịu mà nói ra thì sợ… mất thưởng”, Kim Anh trải lòng.
Thay đổi công việc sau Tết là chuyện quen thuộc trên thị trường lao động. Các nhà quản lý phải đối mặt với tình trạng, chi tiền thưởng Tết xong cũng là lúc… có thể ồ ạt nhận những lá đơn báo nghỉ việc. Không ít doanh nghiệp ghi nhận có đến 30 – 40% nhân viên nghỉ việc sau Tết, nhiều người nghỉ đột ngột.
Quy định nghỉ việc báo trước 30 – 45 ngày làm nhiều người rơi vào tình trạng như Kim Anh, day dứt với câu hỏi, đang chờ thưởng Tết có nên báo với sếp mình sắp nghỉ việc?
Chị Lê Ngọc Dung, phụ trách nhân sự tại một tập đoàn điện máy ở Tân Bình, TPHCM chia sẻ, khi đi làm yếu tố quan trọng được xem xét, đánh giá với nhân viên là sự chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp này không chỉ thể hiện ở lúc đang gắn bó mà cả khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, theo chị Dung lý thuyết là vậy nhưng hiếm nhân viên nào lại báo với sếp ý định sẽ nghỉ nếu đúng thời điểm chờ thưởng Tết. Thưởng Tết không phải là khoản chi trả bắt buộc theo luật định nên công ty có thể “cắt cái tạch” ngay.
“Ở một số nơi tôi làm, khi chi thưởng Tết, sẽ có nhiều hạng mục đánh giá, trong đó, hạng mục “tương lai” hoặc “gắn bó” chiếm tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu tiền thưởng. Những người xin nghỉ sẽ bị cắt khoản này”, chị Dung nói. Chưa kể, một số nơi còn giữ lại tiền thưởng Tết của nhân viên, chia ra nhiều đợt sau Tết mới tiếp tục chi, như một cách ràng buộc, giữ chân người lao động.
Nhưng chị Dung cho biết, cũng có công ty trả thưởng Tết cho nhân viên đã nghỉ tính theo công sức, thời gian họ làm việc. Trường hợp này nhân viên sắp nghỉ gửi đơn cũng không “thâm hụt” thưởng.
Trải nghiệm điều này, anh Nguyễn Văn Linh, làm việc tại công ty truyền thông ở quận 1, TPHCM kể, năm ngoái anh nghỉ việc ở công ty cũ từ tháng 7. Cứ tưởng mọi thứ đã cắt đứt thì gần Tết, anh bất ngờ nhận được 21 triệu tiền thưởng của nửa năm làm việc. Nhiều đồng nghiệp khác tại đây đã nghỉ việc đều nhận được thưởng Tết từ công ty cũ.
Có nên báo với sếp mình sẽ nghỉ việc khi đang chờ thưởng Tết với cá nhân anh Sơn là “không dại”. Tuy nhiên, quyết định thế nào còn tùy doanh nghiệp bạn làm, điều kiện tài chính và bạn lựa chọn sự chuyên nghiệp, sự thoái mái cho bản thân hay là chấp nhận cách thức bị phàn nàn lâu nay là báo “việc đột xuất”.
Anh Sơn cũng từng chứng kiến một nam đồng nghiệp báo sẽ nghỉ việc sau 1 tháng, chỉ ngay trước ngày thưởng Tết một tuần. Anh luôn chọn cách cư xử đàng hoàng, không muốn bất cứ ai bị ảnh hưởng, thiệt hại vì mình. Ai cũng nói anh dại, còn anh vẫn vui vẻ khi nhận thưởng Tết ít hơn dự định.
Đó cũng là người hiếm hoi khi nghỉ việc được lãnh đạo công ty nắm tay, nhắn nhủ “có thể quay lại bất cứ lúc nào”.
Với anh Sơn, nhân viên xứng đáng được nhận thưởng Tết theo thời gian làm việc, nhất là khi đã làm đủ năm. Nhưng doanh nghiệp cũng không sai nếu cắt, giảm thưởng Tết của những người không còn tiềm năng.
Rất khó đưa ra lời khuyên nên “nói” hay “im” trong tình huống này, quyết định thế nào là sự lựa chọn của mỗi người. Có người sẽ không thể vì tiền mà gây khó khăn cho công ty nhưng có những tập trung cho lợi ích của mình. Điều này tùy thuộc vào tính cách, lối sống và lựa chọn của mỗi người.
Theo khảo sát được công bố mới đây của VietnamWorks, có đến 80% người lao động ở các cấp độ tham gia khảo sát cho biết họ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới vào 6 tháng cuối năm 2022.
Tỷ lệ này, theo các chuyên gia nhân sự, sẽ còn cao hơn sau kỳ nghỉ Tết. Nhiều nhân viên sẽ cầm cự chờ thưởng Tết trước khi gửi đơn xin việc đã viết sẵn, thậm chí có thể là nghỉ việc đột ngột.
Khảo sát hàng năm về thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động từ Navigos Group cho thấy, tháng thứ 13 hay thưởng Tết là phúc lợi được người lao động quan tâm nhiều nhất. Đứng sau đó là các yếu tố khác như bảo hiểm sức khỏe, y tế, thời gian làm việc linh hoạt, phụ cấp đi lại, làm việc ở nước ngoài, ứng trước lương…
Bình luận