Tính hướng phong tỏa tài khoản doanh nghiệp nợ, bùng Bảo hiểm xã hội, nhiều người lương gần 1 tỷ đồng mỗi tháng, doanh nghiệp cần hàng chục nghìn lao động… là những thông tin nổi bật trên Dân trí tuần qua.
Theo thống kê của công đoàn, giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm. Các công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH.
Đáng chú ý, tình trạng chủ doanh nghiệp “bỏ trốn” để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
“200.000 lao động đang bị nợ, trốn đóng BHXH đồng nghĩa 200.000 gia đình gặp khó khăn. Nếu không sớm có biện pháp xử lý, những người này không được hưởng chế độ, kể cả lương hưu”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam phối hợp với cơ quan này rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trình Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền và trình Quốc hội phương án giải quyết.
Một trong những đề xuất được Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Lê Đình Quảng đưa ra là khi sửa đổi Luật BHXH có thể nghiên cứu, bổ sung phương án phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về chuyện nợ đóng bảo hiểm, thậm chí từ chối cho những doanh nghiệp trốn đóng BHXH tham gia đấu thầu.
Công đoàn cho rằng, cùng lúc kết hợp nhiều chế tài có thể sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH.
Mức lương mới áp dụng để đóng BHXH, tính lương hưu
Đây là quy định mới được áp dụng theo Thông tư số 01/2023/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Đối tượng điều chỉnh là người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi, hưởng BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023.
Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023.
Ngoài ra, Thông tư 01 cũng quy định đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH là người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023.
Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH cụ thể như sau:
Nghỉ hưu năm 2023, mỗi tháng hưởng bao nhiêu tiền lương
Năm 2023, hầu hết các trường hợp tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) được hưởng lương hưu khi có đủ 2 điều kiện là có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ 60 tuổi 9 tháng đối với nam, đủ 56 tuổi đối với nữ.
Chỉ một số trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc làm việc trong môi trường độc hại, vùng khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo… thì được xem xét hưởng lương hưu trước độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Căn cứ quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động nghỉ hưu trong năm 2023 và đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được hưởng mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng BHXH được 20 năm (đối với lao động nam), 15 năm (đối với lao động nữ). Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, lương hưu của người lao động được thêm 2%.
Do đó, nếu nghỉ hưu trong năm 2023, cùng có số năm đóng BHXH là 20 năm thì lao động nam sẽ được nhận mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, lao động nữ sẽ được nhận mức lương hưu hàng tháng bằng 55% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Nhiều người hưởng mức lương gần 1 tỷ đồng/tháng
Báo cáo khảo sát lương 2023 dựa trên phân tích từ hơn 4.100 ứng viên làm việc trong 23 nhóm ngành nghề trên cả nước của NaviGos mới đây thể hiện, có nhiều ngành nghề “hot” mức thu nhập hiện tại rất hấp dẫn đối với người lao động.
Cụ thể, trong nhóm nhân sự trung và cao cấp, những vị trí có mức lương 1.000 USD/tháng có rất nhiều. Những công việc có mức lương 10.000 USD/tháng (gần 240 triệu đồng/tháng) cũng không hiếm, đặc biệt là trong các ngành đang “hot” như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, hàng tiêu dùng nhanh
Nhóm ngành có nhiều vị trí công việc có mức lương 10.000 USD nhất trong năm 2022 vẫn là ngành ngân hàng. Nhưng mức lương cao nhất ghi nhận được lại là vị trí tổng giám đốc/giám đốc điều hành ngành bảo hiểm, với con số lên đến 40.000 USD/tháng (khoảng 950 triệu đồng).
Ngoài vị trí giám đốc điều hành, giám đốc/trưởng bộ phận một số bộ phận trọng điểm trong doanh nghiệp thường có mức lương cao là kế toán/tài chính, nhân sự, công nghệ, truyền thông…
Trưởng bộ phận kế toán ở doanh nghiệp bất động sản & xây dựng, bảo hiểm và tiêu dùng có mức lương cao nhất đến 15.000 USD/tháng, ở ngành ngân hàng là 20.000 USD/tháng. Giám đốc/trưởng bộ phận công nghệ thông tin ở ngành ngân hàng ghi nhận mức lương cao nhất đến 25.000 USD/tháng.
Doanh nghiệp cần hàng chục nghìn lao động sau Tết
Các doanh nghiệp tại 10 tỉnh, thành phố tại khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng… có nhu cầu tuyển dụng hơn 55.000 việc làm , với mức lương cạnh tranh…
Tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm 9 tỉnh, thành tổ chức mới đây, có 158 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 55.759 vị trí việc làm, trong đó tỉnh Bắc Giang có số việc làm cần tuyển dụng nhiều nhất với 44.789 vị trí, Bắc Ninh 2.540, Ninh Bình 2.473, Quảng Ninh 2.415, TP. Hà Nội với 1.139…
Ở miền Trung, hoạt động tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ngãi cũng sôi động. Trong phiên giao dịch việc làm đầu năm 2023, 23 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu tuyển dụng hơn 5.300 vị trí làm việc. Còn tại Quảng Ngãi, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 lao động.
Khu vực phía Nam, đầu năm, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại TPHCM đã đi vào ổn định, người lao động đã bắt nhịp lại với công việc. Các doanh nghiệp cũng tăng cường tìm kiếm đơn hàng mới, một số doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Theo khảo sát của sở LĐ-TB&XH TPHCM, ngay sau Tết, gần 500 doanh nghiệp tham gia có nhu cầu tuyển dụng hơn 14.300 lao động chủ yếu ở các lĩnh vực may mặc da giày, điện tử, hóa nhựa… Riêng trong quý 1 năm nay, dự báo nhu cầu nhân lực của thành phố khoảng 79.000 – 87.000 người.
Tại Bình Dương, trong quý 1 doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 10.000 lao động, ngành nghề chủ yếu may mặc, giày da, điện tử, cơ khí…. Trong đó, tuyển mới chiếm 35%, còn lại là bù đắp các trường hợp về quê nghỉ Tết nhưng không trở lại làm việc. 80% số tuyển mới là lao động phổ thông nhưng doanh nghiệp yêu cầu kinh nghiệm hoặc có tay nghề.
Tại ĐBSCL, doanh nghiệp chỗ thừa, chỗ thiếu hàng nghìn lao động. Doanh nghiệp tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp có hàng nghìn lao động đang tìm việc. Trong khi đó, tại các tỉnh này vẫn có nhiều doanh nghiệp đang “khát” hàng nghìn lao động.
Hầu hết các công ty tuyển lao động phổ thông làm công nhân từ 18-40 tuổi, với yêu cầu trình độ khá đơn giản là biết đọc, viết. Công nhân làm các công việc, như: May, sản xuất, gia công, lắp ráp, vận hành, phụ truyền…
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận