Hơn 70% khó khăn mà các công ty bất động sản TP.HCM phản ánh với Chính phủ trong cuộc gặp cuối tuần trước vì lý do pháp lý. Đầu tư công giải ngân ì ạch… cũng là bởi pháp lý.
Nhìn lại suốt gần 3 năm dịch bệnh, những kiến nghị về những điểm nghẽn mà nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề mong được tháo gỡ để vượt qua khó khăn phần lớn tập trung vào vấn đề thủ tục pháp lý. Cũng trong quá trình đó, không biết bao nhiêu cuộc họp ở đủ mọi cấp, ngành để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc nhưng không ăn thua. Tháo được chỗ này thì vướng chỗ khác. Doanh nghiệp cứ chạy lòng vòng khắp nơi và bất lực. Bởi pháp lý gì thì cuối cùng vẫn là con người. Mà trong bộ máy hành chính công hiện nay, việc cán bộ sợ trách nhiệm, không dám ký không phải là ít. Thậm chí, ngay cả những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân là vật tư y tế, thuốc cũng rơi vào tình trạng “mua sắm cầm chừng” vì sợ trách nhiệm. Trong cuộc họp liên quan đến vấn đề này giữa tháng 9 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói thẳng: “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm” chứ “cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài”.
Chỉ đạo của Thủ tướng đúng ở mọi lĩnh vực. Bởi cái sự ách tắc này đang trì kéo sự phát triển của nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đơn cử như các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú cho công nhân tại TP.HCM nói trên được khởi động nhằm tạo chỗ an cư để người lao động an tâm sinh sống, làm việc. Bởi trước đó, khi đại dịch Covid-19 ập đến, nơi lây lan và bị tổn thương nhất chính là các khu trọ chật hẹp, thiếu vệ sinh. Thế nên sau khi dịch được kiểm soát, một lượng lớn lao động nhập cư đã rời TP, khiến các doanh nghiệp thiếu công nhân trầm trọng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, chính quyền nhiều tỉnh/thành quyết tâm khởi động một loạt dự án để giúp họ yên tâm an cư, làm việc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thế nhưng, các dự án đầy tính nhân văn này cũng đang tắc lại vì thủ tục pháp lý. Tương tự, đầu tư công được coi là nguồn vốn chủ lực để phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng ì ạch giải ngân khiến Chính phủ tốn rất nhiều công sức họp hành, đốc thúc. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2022 đạt 46,44% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì cũng chỉ đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (55,80%). Những ảnh hưởng, hệ lụy của giải ngân đầu tư công chậm đã được nói rất nhiều, thiết nghĩ không cần nhắc lại thêm nữa.
Mà điều quan trọng hiện nay là nên coi câu nói của Thủ tướng như một chỉ đạo điều hành chung cho tất cả các lĩnh vực. “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm” chứ không để bệnh sợ ký, sợ trách nhiệm lấy cớ “vướng mắc pháp lý” ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, tới đời sống người dân.
Bình luận