Là giáo viên có thâm niên hơn 10 năm công tác tại một trường công lập ở quận 3 (TPHCM), thầy Bình được nhận 10 triệu đồng tiền thưởng Tết vào năm 2022.
Với nhiều lao động thâm niên ở các doanh nghiệp tư nhân, con số này đáng thất vọng, không được xem là cao. Nhưng với thầy Bình, mức thưởng đó rất tốt, là điều may mắn của thầy và các đồng nghiệp cùng trường. Bởi thầy biết đồng nghiệp ở nhiều trường khác không hề có khái niệm thưởng Tết.
Thầy Bình cho hay: “Hiện trường tôi vẫn chưa có thông báo về lương tháng 13 hay thưởng Tết năm nay. Nếu bằng năm ngoài cũng tốt, nhưng vẫn hi vọng sẽ tăng thêm chút để anh em trang trải cuộc sống, có thêm động lực tập trung giảng dạy”.
Cũng công tác trong ngành giáo dục như thầy Bình nhưng chị Vân là viên chức tại phòng giáo dục một quận trên địa bàn thành phố. Tết năm 2022, chị được nhận… 2 triệu đồng tiền thưởng Tết. Số tiền này được chị Vân đánh giá là “cao” so với các năm trước.
“Tôi làm trong lĩnh vực giáo dục lâu rồi, cũng sớm không quan tâm thưởng Tết vì biết nó chỉ có thể như vậy thôi”, chị Vân tâm sự.
Ngoài chị Vân, còn rất nhiều cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đảm nhận các vị trí quản lý hành chính cơ sở nhận số tiền thưởng Tết rất thấp.
Cô L. làm cán bộ quản lý tổ dân phố nhiều năm nay. Tiền trợ cấp của cô nhiều năm rồi hầu như không thay đổi, mỗi dịp Tết được UBND phường thưởng… 500.000 đồng và một phần quà Tết.
Theo cô L., nếu cộng hết các khoản thưởng Tết của ủy ban, các đoàn thể, khu phố… thì cô nhận được tổng cộng khoảng 2 triệu đồng.
Bác sĩ H.T.K. (công tác tại một bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Long An) chia sẻ, mỗi dịp Tết được nhận một phần quà gồm gạo, các loại gia vị và vài trăm ngàn đồng. Nhưng từ khi bệnh viện chuyển sang cơ chế tự chủ, phần quà thưởng Tết ít ỏi ấy cũng không còn.
Điều này xuất phát từ những khó khăn tài chính của bệnh viện tuyến huyện nơi bác sĩ K. làm việc. Mỗi quý, bệnh viện công khai thu nhập liên tục là số âm khiến nhân viên ngao ngán, không còn hi vọng vào lương, thưởng dịp Tết năm nay.
Vậy nên, bác sĩ K. cũng như các đồng nghiệp khác tự xem tiền lương trực ngày Tết thành tiền thưởng cho bản thân. Có khi, họ đùa vui với nhau là “làm thêm ngày Tết”.
“Ngày Tết bệnh viện không nghỉ nên chúng tôi phải thay phiên nhau làm việc. Lương vẫn như thế thôi, riêng những ai trực các ngày 30, mùng 1 Tết thì được gấp đôi”, anh K. chia sẻ.
Nhiều năm theo đuổi ngành y, trở thành y sĩ từ năm 2014. Trong quá trình làm việc, anh dành thêm 5 năm học lên bác sĩ. Đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc cho tay nghề nhưng bác sĩ K. ngỡ ngàng, nhiều khi chán nản vì công việc ngày càng áp lực nhưng lương thưởng lại không mấy tích cực.
Theo bác sĩ K., vợ chồng anh đều làm trong ngành y, lương của cả hai cộng lại chỉ hơn 10 triệu đồng. Số tiền ấy chỉ đủ gia đình chi tiêu sinh hoạt, lo việc học tập cho con. Để mua sắm chuẩn bị ngày Tết, ba mẹ anh phải hỗ trợ thêm. Sắp tới, vợ chồng bác sĩ K. sẽ dọn ra ở riêng, mối lo cơm áo gạo tiền sẽ còn chồng chất thêm.
“Đã bỏ cả tuổi trẻ để theo nghề, chắc bây giờ không dễ gì bỏ nghề được. Nhưng với thu nhập thế này, tôi không biết mình còn tâm trí để nhiệt huyết với nghề không”, bác sĩ K. bộc bạch.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận