Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh này vừa công khai danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
Theo danh sách, tính đến 30/11, có 197 công ty, doanh nghiệp (hơn 2.600 lao động) nợ đóng bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền hơn 96 tỷ đồng (gồm cả tiền lãi).
Trong đó, những doanh nghiệp nợ hầu hết là các công ty trách nhiệm hữu hạn, một thành viên sản xuất, kinh doanh nhiều ngành, nghề, như chế biến thủy sản, may mặc, chế biến gỗ, đầu tư điện, xây dựng, quảng cáo, thương mại dịch vụ, nông sản,…
Đơn vị nợ nhiều nhất là Công ty cổ phần kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt. Công ty này có 296 lao động, nợ 50 tháng BHXH với số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Tiếp đến là Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex, có 86 lao động, nợ 107 tháng, số tiền hơn 23 tỷ đồng.
Có 9 công ty nợ từ 3 đến 143 tháng, số tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng; có 35 công ty nợ từ 3 đến 104 tháng, số tiền từ 100 triệu đồng đến hơn 700 triệu đồng; có 104 công ty nợ từ 3 đến 53 tháng, số tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; có 47 công ty nợ từ 3 đến 9 tháng, số tiền từ 2 triệu đồng đến gần 10 triệu đồng.
Có 2 đơn vị nợ ít nhất, mức nợ cùng là 3 tháng với số tiền khoảng 2,8 triệu đồng/đơn vị.
Chiều 14/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, để xử lý tình trạng nợ bảo hiểm của các công ty, doanh nghiệp này, đơn vị cử người chuyên quản lập biên bản, đề nghị thanh toán, đôn đốc thu nợ thường xuyên.
Dự kiến năm 2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thanh tra toàn diện tất cả các doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm.
“Sau khi thanh tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Nếu công ty, doanh nghiệp nào vẫn không chấp hành thì khi hết thời hiệu xử phạt hành chính, chuyển sang cơ quan công an xử lý theo quy định”, ông Kiên nói.
Bình luận