Trong quý I/2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh, kéo theo đó là số lượng lao động mất việc tăng cao.
Mặt khác, còn nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất của doanh nghiệp gặp phải khó khăn. Tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn do xung đột chính trị kéo dài, lạm phát ở các nền kinh tế, lãi suất vẫn còn cao trong khi nhu cầu tiêu dùng, sức mua còn yếu, tiếp tục ảnh hưởng trên hầu hết các ngành, lĩnh vực của tỉnh.
Trong đó, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất là da giày, dệt may, gỗ… Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bình Dương có 610 đơn vị ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 600 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước chỉ tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2022 tăng 7,2%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 72.514 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ (quý I/2022 tăng 9,6%).
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7 tỷ 285 triệu USD, giảm 18,7% (quý I/2022 tăng 9,8%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5 tỷ 111 triệu USD, giảm 14% (quý I/2022 tăng 0,2%).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 31.174 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ (quý I/2022 tăng 8,1%). Thu ngân sách ước thực hiện 17.300 tỷ đồng, đạt 23% dự toán HĐND tỉnh (cùng kỳ đạt 28% dự toán), bằng 97% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 15/3/2023, đầu tư trong nước thu hút 10.782 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 31,8% so với cùng kỳ). Đầu tư nước ngoài thu hút 437 triệu đô la Mỹ (giảm 74% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.097 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,7 tỷ đô la Mỹ.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.200 người. Tuy nhiên, có hơn 36.300 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2023 chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động. Trong thời gian tới, ngành chức năng theo sát tình hình diễn biến thị trường lao động để đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, đầu năm 2023, đa phần các doanh nghiệp kết nối tuyển dụng là những lao động có tay nghề, một số doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông cũng rất ít.
Những năm trước, sau tết người lao động tìm đến trung tâm tìm việc hầu hết là nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, năm nay thì người lao động đến trung tâm tìm việc làm chủ yếu là lao động phổ thông.
Ông Phương cho biết thêm, để tìm được nhiều việc làm hơn nữa cho người lao động, ngay trong đầu tháng 3/2023, TTDVVL tỉnh mở thêm các buổi tư vấn kỹ năng tìm việc làm, cập nhật chính sách cho các doanh nghiệp, mở thêm các phiên giao dịch việc làm định kỳ, thực hiện chương trình tư vấn giới thiệu việc làm cho các đối tượng về việc làm trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Trung tâm cũng có website trực tuyến, sàn giao dịch trực tuyến, chat trực tuyến, phỏng vấn trực tiếp…, thông qua các kênh trên, người lao động không cần mất nhiều thời gian nhưng vẫn tiếp cận được với thông tin tuyển dụng. Từ đó, người lao động sẽ biết được những yêu cầu của nhà tuyển dụng để tìm được việc làm phù hợp mà không cần đến với trung tâm.
Bình luận