Tại Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam – Nhật Bản 2023 diễn ra sáng 5.4, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) Ingrid Christensen cho rằng, thời gian qua, Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn cho người lao động Việt Nam. Thực tập sinh, lao động Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số lao động nước ngoài của Nhật Bản.
Theo Giám đốc ILO, nguồn nhân lực này đã đóng góp cho phát triển kinh tế của cả Việt Nam và Nhật Bản thông qua kiều hối, qua việc. nâng cao kỹ năng, tay nghề cho lao động. Theo đó, nâng cao kỹ năng của lao động là mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam. Di cư lao động là yếu tố quan trọng, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Vị này lấy dẫn chứng, mỗi năm có khoảng 3 tỷ USD kiều hối từ những người lao động Việt ở nước ngoài gửi về nước.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được coi trọng và phát triển những năm gần đây.
Nhiều chương trình, dự án như Chương trình thực tập sinh, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đang phát huy hiệu quả.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm ở nước này.
Về Chương trình thực tập sinh kỹ năng, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận, hơn 30 năm qua, đã có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng.
Số lượng thực tập sinh Việt Nam Nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh, từ 10.200 thực tập sinh năm 2013 lên 82.700 thực tập sinh năm 2019. Năm 2022 có gần 68.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.
Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản.
Hiện tại có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản).
Về Chương trình lao động kỹ năng đặc định, ông Hương cho rằng, hai nước đã ký kết và chính thức công bố biên bản hợp tác về Chương trình lao động kỹ năng đặc định vào ngày 1/7/2019. Tính đến 12/2022, có trên 77.000 lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản (chiếm 58% tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản).
Theo ông Phạm Viết Hương, Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản trong thời gian vẫn còn một số thực tập sinh, lao động đặc định bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản.
Vị này phân tích nguyên nhân do một số doanh nghiệp phái cử Việt Nam không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh; thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định; thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian, môi giới.
Bên cạnh đó, một số đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty phái cử trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận thực tập sinh, yêu cầu thiết đãi quá mức khi đến Việt Nam, tạo gánh nặng chi phí lên người lao động; không thanh toán các khoản phí quản lý, phí phái cử theo thỏa thuận.
Một số xí nghiệp/ngành nghề tiếp nhận điều kiện làm việc nặng nhọc nhưng thu nhập không cao, chủ sử dụng đối xử không tốt, bố trí thực tập không đúng với ngành nghề, địa điểm đã đăng ký…
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng, lao động kỹ năng đặc địnhViệt Nam sang Nhật Bản.
Về phía Việt Nam, ông Hương cho rằng, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận