Theo ghi nhận của các cấp công đoàn, số người lao động quay trở lại làm việc sau Tết đều chiếm tỷ lệ cao, không có hiện tượng đình công. Năm nay, nhiều công ty ở miền Bắc mùng 9 Tết mới khai xuân để tạo điều kiện cho người lao động có thêm thời gian bên gia đình.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động thành phố, tính đến ngày 27/1, có trên 83% doanh nghiệp, với 94,67% công nhân lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội quay trở lại làm việc.
Theo Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, công tác nắm bắt tư tưởng đoàn viên, công nhân lao động dịp Tết được triển khai đồng bộ, công đoàn đã kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động.
Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể, sau Tết, tỷ lệ công nhân lao động quay trở lại làm việc cao.
Tại địa phương là trung tâm công nghiệp phía Bắc Bắc Ninh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho biết, tính đến ngày 30/1 đã có 1.190 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trở lại làm việc với hơn 307.000 lao động trở lại làm việc (đạt 99,6%).
Ở doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, số người lao động quay trở lại làm việc sau Tết đạt 107.000 người (đạt 99,5%), chủ yếu là lao động thuộc doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp: Khắc Niệm, Hạp Lĩnh (huyện Tiên Du), đa nghề Đông Thọ (huyện Yên Phong), làng nghề công nghệ cao Tam Sơn (TP Từ Sơn)…
Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cơ bản đã ổn định về lao động sau Tết, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo dự đoán của doanh nghiệp, người lao động trở lại doanh nghiệp muộn do có nhiều nguyên nhân trong đó có cả lý do phương tiện giao thông quá tải, số còn lại sẽ nhảy việc từ công ty này sang công ty khác hoặc do lý do bận việc gia đình.
Cùng thời điểm, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, trên 150.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại làm việc ngày đầu sau kì nghỉ Tết Nguyên đán.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả 403 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hoạt động trở lại bình thường với hơn 175.000 công nhân.
Theo khảo sát của công đoàn, các chủ doanh nghiệp tại Bắc Giang đã chuẩn bị đầy đủ các phương án sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân, lao động của công ty đi làm lại sau Tết với khí thế hăng hái, phấn khởi.
Tại Quảng Ninh, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh này thông tin, đến ngày 27/1 có 27/64 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn trở lại sản xuất với trên 10.600 lao động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có số lượng lao động lớn đã có đủ nguồn nhân lực để có thể vận hành tất cả các dây chuyền sản xuất.
Dự kiến hôm nay (31/1), cơ bản toàn bộ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ quay trở lại hoạt động.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, tỉ lệ lao động trở lại làm việc khá cao do các công ty chủ động cho người lao động nghỉ Tết sớm, mức đãi ngộ, lương thưởng tốt hơn.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho hay, hầu hết đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đều làm việc từ mồng 6 Tết, còn các doanh nghiệp tư nhân lại lựa chọn “khai xuân” từ mùng 9 Tết vì kế hoạch kinh doanh đã có từ trước.
Đánh giá về quan hệ lao động trong dịp Tết 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định tình hình cơ bản ổn định, ít xảy ra các vụ tranh chấp và ngừng việc. Các cấp công đoàn đã chủ động thực hiện, phối hợp với các chính quyền các cấp làm tốt việc phòng ngừa tranh chấp lao động trước Tết, qua đó giảm số cuộc ngừng việc tập thể so với dịp Tết năm 2022.
Về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023 nói chung, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế – xã tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại.
Theo đó, tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng với khoảng 370.000 người.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí, công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, có thể diễn biến đến hết quý 1/2023.
Bình luận