Hướng đi mới của nhiều lao động hồi hương sau khi vỡ mộng ở thành phố – Có tay nghề thì tương lai mới ổn định
Sau gần 8 năm làm công nhân tại một công ty giày da ở tỉnh Đồng Nai, cuối năm 2022, anh Nguyễn Huy Nhật (SN 1989, trú tại xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), chính thức thất nghiệp. Anh trở về quê với bao suy nghĩ cho tương lai phía trước.
“Bắt đầu từ giữa năm 2022, công ty tôi làm gặp nhiều khó khăn. Công nhân phải giảm giờ làm, thậm chí như tôi bị chấm dứt hợp đồng. Tôi rất buồn nhưng đó là khó khăn chung, mình cũng phải chia sẻ”, anh Nhật nói.
Sau những ngày nghỉ Tết bên gia đình, được sự chia sẻ, tư vấn của người thân, anh Nhật quyết định ở lại quê để tìm công việc mới. Đầu năm 2023, anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh để tìm kiếm công việc. Anh Nhật đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào một công ty ở Khu Kinh tế Vũng Áng và đang chờ phỏng vấn.
“Tôi đã có vợ và 2 người con. Vợ con ở quê, tôi thì làm công nhân ở xa. Chúng tôi phải tha hương cũng vì miếng cơm manh áo, nhưng cảnh xa nhà khó khăn lắm. Sau gần 8 năm xa gia đình, giờ tôi quyết ở lại quê để tìm công việc, thu nhập thấp hơn cũng được”, anh Nhật chia sẻ.
Còn anh Lê Văn Đức (SN 2000, trú tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) sau khi tốt nghiệp THPT đã vào tỉnh Bình Dương để tìm việc. Đến cuối năm 2018, anh xin được vào bộ phận đóng gói tại một công ty may mặc. Công việc khá nhẹ, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.
“Một tháng tôi được khoảng 7-8 triệu đồng, tăng ca thêm thì có hơn. Sau 3 năm làm việc, tôi tích góp không được bao nhiêu. Lúc ấy, tôi khá chán nản, đến giữa năm 2022, lúc công ty bắt đầu cắt giảm giờ làm của công nhân, tôi quyết định xin nghỉ việc luôn”, anh Đức nói.
Trong hơn một tháng, anh Đức đi phỏng vấn ở nhiều công ty nhưng không có chuyên môn, tay nghề nên không được nhận. Cuối năm 2022, anh quyết định về quê.
“Mấy tháng qua, tôi suy nghĩ rất nhiều, mình đang trẻ cần phải học một nghề gì đó. Khi có tay nghề mình có thể xin vào công ty hoặc mở cơ sở riêng, tức là phải có cái nghề thì tương lai mới ổn định được. Tôi quyết định đi học nghề, chấp nhận chậm một thời gian để có tương lai ổn định hơn. Bố mẹ tôi cũng rất ủng hộ quyết định này”, anh Đức nói và cho biết đã nộp hồ sơ để theo học nghề điện công nghiệp vào Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, học viên theo học tại đơn vị phần lớn là học sinh vừa tốt nghiệp THCS tham gia học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, kết hợp học trung cấp. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đến học đã từng đi làm công nhân, làm thuê, nhưng thất nghiệp sau đó quay lại học nghề.
Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh không chỉ đào tạo nghề mà đơn vị còn liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho học viên.
“Nhà trường ký kết với các doanh nghiệp đưa học sinh, sinh viên đi thực tập và giải quyết việc làm sau đào tạo với các công ty trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã không ngừng đổi mới, chuẩn hóa từ đội ngũ giáo viên đến trang thiết bị, cơ sở vật chất. Chương trình đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…”, ông Đại nói.
Tạo bước đột phá trong giải quyết việc làm
Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Tĩnh, hiện nay quy mô dân số của tỉnh này là hơn 1,3 triệu người. Số người nằm trong độ tuổi lao động là 821.285 người, chiếm khoảng 62,5% dân số toàn tỉnh. Trong đó, số lao động đang làm việc trong địa bàn tỉnh là hơn 680.000 người, số còn lại đang làm việc ở tỉnh bạn và ở nước ngoài.
Trong năm 2022, tỉnh này đã giải quyết việc làm cho 22.995 người, trong đó việc làm trong nước cho 11.478 người, xuất khẩu lao động 11.517 người.
“Một trong những mục tiêu của ngành trong năm 2023 là tạo đột phá giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với giải quyết việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới, phù hợp với quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, để thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu này, đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới công tác đào tạo nghề chuyên nghiệp và linh hoạt hơn, để phù hợp với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nhất là những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Xây dựng danh mục nghề trọng điểm có kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cung ứng cho các doanh nghiệp theo nhu cầu.
Sở LĐ-TB&XH thường xuyên phối hợp các địa phương, doanh nghiệp rà soát, thống kê và kịp thời thông tin về thị trường, cung – cầu, nhu cầu việc làm của người lao động, đảm bảo cung ứng lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, các cấp, ngành tập trung thực hiện sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực. Nhân rộng mô hình liên kết phối hợp, đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, tiếp tục triển khai chương trình hợp tác đào tạo điểm, giữa cơ sở đào tạo với các tập đoàn, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động thông qua các ngày hội việc làm, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, thị xã.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận