Nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân mất việc dịp cuối năm

Nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân mất việc dịp cuối năm – Gian nan tìm việc mới

Hơn 7 năm gắn bó với Công ty TNHH Tỷ Hùng, chị Nguyễn Loan (41 tuổi, quê Trà Vinh, ngụ quận Bình Tân) cũng như bao công nhân khác xác định, công việc ở đây mới đem lại nguồn thu nhập chính và duy nhất. Chính vì vậy, từ lúc công ty cho nghỉ việc từ đầu tháng 12/2022, cuộc sống của gia đình của các công nhân mất việc bỗng dưng rơi vào cảnh chơi vơi, dù được công ty hỗ trợ một tháng lương nhưng số tiền ấy cũng như “muối bỏ bể”.

Để nhanh chóng có tiền trang trải cuộc sống, chỉ sau khi nghỉ việc được 2 ngày, chị Loan đã chạy chiếc xe máy cà tàng tìm mối để nhập bánh tráng đem về bán. Đồ đạc lỉnh kỉnh trên chiếc xe cà tàng, từ 9h sáng đến 5 giờ chiều, chị Loan rong ruổi khắp những con hẻm nhỏ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân rao bán bánh tráng trộn. Khách hàng của chị đa số đều là công nhân ở các công ty khác, vì thương hoàn cảnh mất việc làm của chị mà mua ủng hộ.

Nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân mất việc dịp cuối năm
Chị Nguyễn Loan (đội nón lá) bán bánh tráng trộn để mưu sinh sau khi mất việc làm.

“Bán bánh tráng thu nhập cũng bấp bênh, nhưng bây giờ tìm việc không ra, công ty may không tuyển nữa mà nếu tuyển thì cũng chỉ tuyển người trẻ tuổi. Tôi cũng lớn tuổi rồi, rất khó xin việc làm. Tết này tôi ở lại TP.HCM để kiếm việc thời vụ, sống qua ngày, chờ sang năm đi tìm việc làm ổn định hơn”, chị Loan chia sẻ.

Giữa cái nắng trưa gay gắt những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Châu (35 tuổi, quê Kiên Giang, ngụ Quận 12) vẫn cặm cụi tỉa lá cho vườn hoa ở phường Thới An, Quận 12. Chị chính là một trong hơn 800 công nhân mất việc của Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam vừa dừng hoạt động.

Đột nhiên bị mất việc, chị Châu loay hoay tìm đủ cách để duy trì thu nhập. Từ cắt chỉ vải đến tỉa lá cho hoa… cứ có tiền là chị nhận làm. Đơn cử như công việc tỉa lá, mỗi ngày chị làm từ khoảng 8h sáng đến 9h tối, mỗi giờ làm việc chị nhận được 25.000 đồng tiền công. Tối về, chị lại cắt chỉ vải, mỗi sản phẩm chị kiếm thêm được 400 đồng, tích tiểu thành đại, mỗi tối chị có thêm 50.000 – 60.000 đồng.

Nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân mất việc dịp cuối năm
Chị Châu làm việc thời vụ tại vườn hoa ở phường Thới An, Quận 12.

Theo chị Châu, công việc làm thêm này cũng bấp bênh, không ổn định, mức thu nhập rất hạn chế dù bỏ nhiều thời gian, công sức tuy nhiên vì không có cách nào khác nên chị buộc phải cố gắng. “Có những ngày ngồi làm xong đứng dậy không nổi, sống lưng đau thắt. Những lúc ấy muốn buông xuôi hết, bỏ về quê nhưng nghĩ đi nghĩ lại, về quê cũng không biết làm gì để kiếm tiền nuôi con nên lại dặn lòng phải cố gắng”, chị Châu cho biết.

Gia tăng tỷ lệ mất việc cuối năm

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều cảnh ngộ công nhân mất việc làm tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong đó có TP.HCM. Thông tin tại tọa đàm “Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng – thực trạng và giải pháp” tổ chức mới đây, đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết, qua khảo sát gần 330 doanh nghiệp, Thành phố có khoảng 108.000 người bị ảnh hưởng do doanh nghiệp giảm đơn hàng, trong đó số giảm giờ làm tiêu chuẩn khoảng 102.000 người và hơn 6.000 người khác mất việc.

Đáng chú ý số người trên 35 tuổi có tới khoảng 40.000 người, trong đó có 8.000 người mang thai và nuôi con nhỏ. Đây là lực lượng rất khó tham gia lại thị trường lao động, nhất là những ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày… Bên cạnh đó, lương khởi điểm rất thấp do không được cộng lương thâm niên, dẫn tới họ sẽ không đi làm lại.

“Dự báo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn trong quý 1, quý 2/2023 dẫn tới nhiều người lao động sẽ tiếp tục thiếu việc làm, giảm thu nhập. Cùng với đó tình hình nợ bảo hiểm xã hội sẽ gia tăng và quyền lợi người lao động sẽ bị ảnh hưởng, nhất là chế độ của người lao động yếu thế, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ”, đại diện LĐLĐ TP.HCM cho hay.

Một địa phương có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều lao động là Bình Dương cũng đang đối mặt với tình trạng gia tăng tỷ lệ mất việc làm trong những tháng cuối năm. Cũng tại toạ đàm “Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng – thực trạng và giải pháp” nêu trên, đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết: Thống kê đến thời điểm hiện tại, người lao động giảm giờ làm của tỉnh Bình Dương khoảng 240.000, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 140.000, số lao động đang tạm hoãn hợp đồng khoảng 30.000 người.

Trong buổi họp báo định kỳ do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương tổ chức vừa qua, ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh có 37.000 lao động bị hoãn hợp đồng, trong đó có khoảng 6.000 lao động phải nghỉ việc hẳn. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không có đơn hàng, khó khăn trong việc nhập nguyên liệu.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, thông tin tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khoá X (nhiệm kỳ 2021 – 2026), bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết: Do tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, từ tháng 6/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Khảo sát tại 284 doanh nghiệp cho thấy, đã có 227 doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, doanh thu, quy mô sản xuất, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu khiến hơn 22.000 lao động bị cắt giảm, 48.000 người lao động giảm giờ làm, 9.000 người lao động được trả lương ngừng việc, 1.000 người lao động được thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động.

Chung tay hỗ trợ người lao động

Trước tình hình gia tăng công nhân, người lao động mất việc làm do khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền và các cấp công đoàn nhiều địa phương trong đó có các tỉnh thành phía Nam đã và đang nỗ lực hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Thành phố đã chỉ đạo Công đoàn các cấp nắm hoàn cảnh công nhân bị cắt giảm để có phương án hỗ trợ. Từ nay đến cuối năm 2022, Công đoàn các cấp sẽ tặng quà, tiền mặt, vé tàu xe về quê, hỗ trợ công nhân gặp khó khăn ở lại thành phố ăn Tết. Ngoài ra, quận, huyện kết hợp cơ quan chức năng giới thiệu việc làm cho công nhân.

Trong khi đó, Sở LĐTB&XH TP.HCM cũng đã xây dựng nhiều giải pháp để ổn định tình hình lao động – việc làm, nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Cụ thể, Sở phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình lao động – việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; giám sát doanh nghiệp việc thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung – cầu lao động. Ngoài ra Sở LĐTB&XH TP.HCM cũng sẽ giám sát chặt chẽ tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; vận động các doanh nghiệp sớm ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động; yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ trong dịp Tết.

Hỗ trợ sát thực tiễn cho người lao động

Tại Tọa đàm “Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng – thực trạng và giải pháp”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, phải có chính sách thoả đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ đối người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng như để doanh nghiệp duy trì, tồn tại, có cơ hội để tiếp tục phát triển. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã, đang và tiếp tục thực hiện, đề xuất những chính sách hỗ trợ sát thực tiễn cho người lao động.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình; hạn chế mức thấp nhất các vụ ngừng việc, tranh chấp lao động cũng như tạo thêm việc làm, có những hoạt động thiết thực để chăm lo Tết cho người lao động, đặc biệt là những lao động xa quê. Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương đã tổ chức các buổi tọa đàm tình hình lao động việc làm nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết: Các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương đã và đang quyết tâm bằng nhiều giải pháp để huy động các nguồn lực cùng với tổ chức công đoàn chăm lo Tết Quý Mão cho người lao động trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập.

Hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung ưu tiên nhiều nhóm đối tượng, trong đó có đoàn viên, người lao động thiếu, mất việc làm, nghỉ không hưởng lương do doanh nghiệp khó khăn, giảm đơn hàng, người lao động thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê ăn Tết… với tổng kinh phí dự kiến hơn 300 tỷ đồng.

Mất việc làm, công nhân chật vật tìm việc thời vụ để mưu sinh
Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam (quận 12, TP.HCM) dừng hoạt động từ ngày 10/11, toàn bộ 826 công nhân viên buộc phải nghỉ việc.

Còn tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho hay, Công đoàn các cấp tỉnh đã có kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết như tổ chức phiên chợ Tết công nhân, chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chủ sử dụng lao động chăm lo, tặng quà Tết. Riêng LĐLĐ tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ khác khoảng 20.000 lao động, mỗi người 500.000 đồng.

Bình luận