Ngày 12/12, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các cơ quan nước bạn liên quan đến hoạt động xúc tiến hợp tác về nhân lực và lao động.
Nâng hạn ngạch tiếp nhận lao động
Gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc Lee Sung Hee, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định hoạt động hợp tác giữa Bộ Lao động Việt Nam – Hàn Quốc thời gian qua có nhiều bước phát triển ấn tượng, thể hiện mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước được công bố năm 2022.
Thứ trưởng thông báo những ngày vừa qua, ông và đoàn công tác đã hoàn thành nhiều nội dung trong chương trình công tác tại Hàn Quốc, trong đó có việc ký kết thỏa thuận hành chính với Bộ Y tế và Phúc lợi, bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động kỹ thuật ngành đóng tàu với tập đoàn Huyndai Mipo và ký kết thỏa thuận dịch vụ với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực (HRD) của Hàn Quốc.
Các cuộc làm việc cho thấy người lao động Việt Nam đáp ứng tốt các yêu cầu làm việc, giúp bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ hoạt động phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Đáng mừng, từ sự tin tưởng, ưa chuộng đó, hạn ngạch lao động phân bổ với Việt Nam đã tăng lên trong những năm qua. Năm ngoái, mức thông báo là gần 6.500 người, năm 2023, “quota” (hạn ngạch) tăng lên 9.500 người. Cũng trong năm nay, gần 700 lao động kỹ thuật, diện visa E7 đã đầu quân cho tập đoàn đóng tàu hàng đầu Hàn Quốc, đưa lao động Việt Nam lên đứng đầu trong tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Huyndai Mipo.
Người lao động Việt Nam cũng có nguyện vọng, nhu cầu lớn sang Hàn Quốc học tập, làm việc và nâng cao trình độ tay nghề, có thu nhập để khi trở về tiếp tục phục vụ quê hương, đất nước. Do đó, người lao động rất chủ động học tiếng Hàn cũng như trau dồi kỹ năng nghề để chờ xuất cảnh.
Theo thống kê, trên 60% người tham gia kỳ thi ngoại ngữ và tay nghề trúng tuyển. Tuy nhiên, lượng lao động được lựa chọn, cấp phép vẫn còn hạn chế nên dù thi đỗ, nhiều người vẫn chưa được làm hồ sơ để đi Hàn.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị phía Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc xem xét vấn đề, nâng hạn ngạch lao động trong năm 2024 tới cũng như có chính sách bảo lưu kết quả thi để người lao động chờ thêm cơ hội xuất cảnh, tham gia thị trường lao động tại Nam Hàn.
Ông cũng gợi mở các hướng tuyển chọn với lao động kỹ thuật cung cấp cho các ngành công nghiệp gốc của Hàn Quốc như đóng tàu, khai mỏ… như mô hình thực hiện ở Huyndai Mipo để nâng cao chất lượng, giá trị nguồn nhân lực mang lại cho cả hai đất nước. Không có lý do gì khi hơn 10.000 lao động E9 (diện visa dành cho lao động phổ thông) được cấp phép mỗi năm mà lao động F7 mới chỉ dừng ở con số khiêm tốn, chưa đến 700 người.
Tán thành với những nội dung Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt nam nêu, Thứ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Sung Hee xác định, chương trình EPS là trọng tâm trong hợp tác lao động và nhân lực giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tính đến nay, Việt Nam đã đưa 146.000 lao động sang Hàn. Với kết quả này, Việt Nam trở thành đất nước đứng đầu trong số 16 quốc gia tham gia chương trình EPS, phải cử lao động đến quốc gia Đông Á này. Hiện có 36.000 người Việt đang làm việc tại Hàn Quốc, theo Thứ trưởng Lee Sung Hee, là lực lượng có ý nghĩa đóng góp cho phát triển kinh tế của đất nước ông.
Lãnh đạo Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cũng xác nhận lao động Việt Nam có những phẩm chất tốt, cần cù, nỗ lực, nhanh nhẹn mà chủ sử dụng rất ưa chuộng. Vị Thứ trưởng dẫn chứng, việc lao động Việt Nam đã xuất sắc đứng đầu trong cuộc thi tay nghề của các lao động ngoại vừa qua cho thấy điều đó.
Ông cho rằng, với việc mở rộng quy mô tuyển dụng lao động nước ngoài từ mức 120.000 người năm nay lên 165.000 người cho năm sau cùng với mối quan hệ hợp tác tin cậy giữa hai nước được duy trì, số lượng lao động sử dụng lẫn nhau của hai bên sẽ tiếp tục tăng lên.
Gỡ vướng việc cấp thị thực với lao động Việt
Cũng trong ngày 12/12, làm việc với lãnh đạo Hiệp hội đóng tàu và hàng hải Hàn Quốc (Koshipa), Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan vẫn theo đuổi vấn đề hạn ngạch lao động với Việt Nam.
“Năm nay, Việt Nam có khoảng 11.000 lao động sang Hàn theo chương trình EPS, lao động nông nghiệp thời vụ đã vượt con số này, lao động thuyền viên tàu cá gần bờ cũng đạt cao. Tuy nhiên, lao động kỹ thuật diện visa E7 chưa được 700 người. Đây là điều trăn trở với tôi trong lần công tác tại Hàn Quốc này”, Thứ trưởng Bộ Lao động Việt Nam băn khoăn.
Tại phiên họp trực tuyến hồi tháng 4, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc có nêu kế hoạch thu hút 11.000 lao động diện này nhưng đến giờ đã cần kết thúc năm, chắc chắc mục tiêu không đạt được.
Là cơ quan thẩm định, cấp chứng nhận tay nghề với lao động nước ngoài, Koshipa đã tuyển chọn nhóm lao động E9 với nguồn khá dồi dào, năng lực lao động phái cử khả quan nhưng đáng tiếc, số người trúng tuyển mới dừng ở mức 2.200 người, chiếm chưa tới 30% số người đủ điều kiện sang Hàn làm việc.
Trong khi đó, làm việc với tập đoàn Huyndai Mipo, Thứ trưởng Hoan nhấn mạnh, doanh nghiệp rõ ràng đang thiếu hụt và mong có thêm nguồn lao động Việt Nam sang đầu quân. Thực tế, con số gần 700 lao động Việt diện visa E7 sang Hàn Quốc năm nay chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số lao động được cấp visa.
Đáp lại, Phó Chủ tịch Koshipa Choi Kyu Chong xác nhận việc Hàn Quốc đang thiếu hụt lao động ở nhiều ngành sản xuất khi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của nước này đang tụt xuống mức thấp nhất thế giới, chỉ 0,7%. Đây là thách thức lớn mà Hàn Quốc thậm chí phải lập Cục định cư để cùng giải quyết vấn đề suy giảm dân số.
Từ đó, ông này nhận định, tới đây, lao động diện visa E9 hay E7 cũng đều sẽ tăng nhanh.
Với nhóm lao động kỹ thuật diện E7, dù Koshipa mới tham gia tuyển chọn từ năm ngoái nhưng những nhân sự được chọn cho ngành đóng tàu, theo ông Choi Kyu Chong, đã góp phần phát triển rất tốt ngành này của Hàn Quốc năm vừa qua.
“Các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đều có nhận xét lao động Việt không chỉ chăm chỉ mà có lẽ với điểm xuất phát là sự tương đồng văn hóa, tư tưởng nên khả năng hòa nhập và cống hiến của các nhân sự cũng rất tốt.
Tính đến cuối tháng 11 vừa qua, trong tổng số 8.200 ứng viên được để xuất, gửi lên các cơ quan chức năng thì có 1.900 người Việt, chiếm 35%. Ban đầu, việc tuyển dụng lao động E7 có gặp một số khó khăn về thủ tục, quy trình nhưng nhờ phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, việc này đã thực hiện suôn sẻ hơn”, Phó Chủ tịch Koshipa nói.
Ông cũng cam kết với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam sẽ góp tiếng nói đề nghị đẩy nhanh tiến độ cấp visa cho số lao động đã vượt qua kỳ thi kiểm tra ngoại ngữ và kỹ năng nghề.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận