Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Dương, tính đến 16h ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết), 87% doanh nghiệp với 86% lao động của tỉnh Bình Dương đã trở lại làm việc. Các tỉnh phía Nam không lo thiếu lao động sau Tết
Một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (1.896/1.896 lao động) đạt 100%, Công Ty TNHH Một Thành Viên Cao Su Dầu Tiếng (4.323/4.323 lao động) đạt 100%, Công ty TNHH Giày Vĩnh Nghĩa (2.386/2.640 lao động) đạt 90%, Công ty TNHH Timberland (3.960/4.606 lao động) đạt 86%, Công ty TNHH Chí Hùng (6.232/7.089 lao động) đạt 88%, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (5.167/5.875 lao động) đạt 87%…
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đánh giá, tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp vào ngày đầu năm tương đối ổn định, không có biến động lớn về lao động, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Số lao động chưa trở lại làm việc chủ yếu là do công ty có kế hoạch sản xuất vào đầu tháng 2, một số công ty chỉ mới khởi động lấy ngày tốt chứ chưa đi vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, một số lao động vắng mặt trong ngày đầu làm việc là do quê xa chưa vào kịp, đang nghỉ thêm phép năm, nghỉ thai sản…
Tại TPHCM, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có kế hoạch sản xuất trở lại vào ngày 27/1 (tức mùng 6 Tết) và ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết). Đến nay, đã có đến 95% lao động trở lại làm việc trong ngày đầu năm.
Trong đó có những doanh nghiệp, số lao động đi làm lại trong ngày đầu năm đạt mức rất cao như Công ty TNHH Freetrend Industrial (20.080 lao động), Công ty TNHH Freetrend Industrial A (11.757 lao động), Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (52.010 lao động, 70% đi làm việc vào ngày 30/1, số còn lại sẽ vào làm việc vào ngày 1/2)…
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, tình trạng hoạt động sản xuất khó khăn diễn ra tại một số doanh nghiệp vào cuối năm 2022 không gây ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động sau kỳ nghỉ Tết 2023. Tình hình hiện diễn biến khá tích cực.
Hiện người lao động có phản ứng khác với các năm trước, tình trạng chuyển đổi việc làm sau Tết không còn là xu hướng như mọi năm. Người lao động mong muốn công việc ổn định vì lo lắng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên ít xảy ra trường hợp “nhảy việc”.
Tình hình lao động diễn ra tương tự tại tỉnh Long An. Tính đến sáng 30/1 đã có khoảng 80% lao động trên địa bàn tỉnh này quay lại làm việc với tổng số hơn 280.000 người. Trong đó, các doanh nghiệp có kế hoạch làm việc từ ngày 30/1 đều có trên 95% lao động quay lại làm việc. Số lao động chưa quay lại làm việc chủ yếu là ở các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ hết tháng 1/2023.
Tại Đồng Nai, tính đến 15h30 ngày 30/1 đã có khoảng 80% doanh nghiệp trở lại hoạt động và số lao động quay trở lại làm việc tương đối ổn định. Số lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ rất cao (85-97%), chỉ có một số ít vắng mặt vì quê xa, nghỉ phép… Số lao động vắng mặt không có lý do chỉ chiếm khoảng 1%.
Những doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn tỉnh đều có tỷ lệ lao động trở lại làm việc rất cao. Nhiều doanh nghiệp có 100% lao động quay lại làm việc như Công ty TNHH I & J HCM, Công ty TNHH Zeder Việt Nam, Công ty TNHH Iwasaki Việt Nam, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đồng Nai, Công Ty CP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam…
Một số doanh nghiệp đạt trên 90% lao động trở lại làm việc như Công ty TNHH Hualon Corporation Vietnam (99%), Công ty TNH Dinh Dưỡng Á Châu (99%), Công ty TNHH Dệt May Eclat Việt Nam (94%), Công ty TNHH MUTO Việt Nam (95%), Công ty TNHH PERFECT VISION (93%)…
Bình luận