Tại tọa đàm “Chỉ số hài lòng về cuộc sống (hạnh phúc) của đoàn viên công đoàn và vấn đề đặt ra” – gọi tắt là chỉ số hạnh phúc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chiều 3/3, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, mới đây, Viện Công nhân Công đoàn đã tổ chức điều tra xã hội học về nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn hiện nay nhằm xác định mức độ hài lòng của công nhân đối với cuộc sống (chỉ số hạnh phúc).
Theo đó, đoàn viên công đoàn thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp hợp tác xã là đối tượng được điều tra.
Qua điều tra, khảo sát khoảng 6.000 đoàn viên công đoàn thuộc 16 tỉnh, ngành, Viện Công nhân Công đoàn cho biết, công nhân lao động mong muốn nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương, phúc lợi tập thể chiếm 64% số người được khảo sát.
Bên cạnh đó, công nhân cũng quan tâm đến điều kiện cuộc sống không bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phân biệt đối xử, quấy rối tình dục, không bị chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc, nghỉ việc bất công, có việc làm, giữ được việc làm ổn định…
Về những yếu tố liên quan đến tiền lương, điều kiện lao động, quan hệ lao động và an sinh xã hội, có 64% công nhân mong có chế độ trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng đầy đủ. Bên cạnh đó, đa số công nhân cũng muốn được tham gia đối thoại, thương lượng tập thể để bảo vệ quyền, lợi ích của mình (chiếm 54%).
Đặc biệt, 54% số công nhân được khảo sát mong muốn nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Công nhân, lao động cũng quan tâm đến việc các địa phương có các cơ sở giáo dục, y tế công lập như nhà giữ trẻ, trường học, bệnh viện, nơi khám chữa bệnh… thuận tiện.
Ngoài ra, vấn đề điện, nước sinh hoạt đầy đủ với giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động, có nhà riêng hay được người sử dụng lao động bố trí chỗ ở; hoặc thuê được nhà trọ phù hợp với thu nhập và nhu cầu của người lao động là những vấn đề được phần lớn công nhân, người lao động lựa chọn.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm ghi nhận được ý kiến, góp ý của các nhà khoa học, cán bộ công đoàn về những vấn đề liên quan đến chỉ số hạnh phúc của công nhân – các đoàn viên công đoàn. Những ý kiến của các nhà khoa học rất quan trọng, động viên tổ chức công đoàn tiếp tục quan tâm và làm sâu sắc hơn các hoạt động để giữ vững và tiếp tục nâng cao sự hài lòng của đoàn viên về quan hệ gia đình và xã hội.
Bình luận