Mức lương đóng bảo hiểm xã hội là một nội dung nhận nhiều quan tâm tại cuộc họp báo thông tin về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức chiều 16/3.
Tại đây, ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin về quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra hai phương án quy định.
Phương án 1 xác định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là lương tháng bao gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Phương án 2 nêu rõ, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Theo ông Cường, so với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Doanh nghiệp trình danh mục 100 khoản chi trả
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội đánh giá, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong khu vực doanh nghiệp vừa qua đã được cải thiện từng bước, dần tiếp cận gần hơn với thu nhập thực tế của người lao động.
“Thực tế, ở một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng tách các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác ra nhằm mục tiêu “né”, để không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, liên quan đến chế độ hưu trí. Mức đóng bảo hiểm xã hội thấp ảnh hưởng đến lương hưu của mỗi người khi về già”- ông Cường nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội, số liệu từ cơ quan bảo hiểm xã hội cho thấy, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của cả hệ thống năm 2022 là 5,73 triệu đồng. Trong đó, khu vực FDI có mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cao hơn trung bình. Nền đóng thấp nhất rơi vào khối doanh nghiệp tư nhân.
Phó Vụ trưởng Nguyễn Duy Cường phân tích, Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội xác định, đảm bảo tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất lương.
Theo Tổng cục thống kê, mức thu nhập bình quân nhóm đối tượng làm công ăn lương là 7,54 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội bình quân 5,73 triệu đồng/tháng nghĩa là đã bằng khoảng 75% mức thu nhập bình quân.
Còn theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sau 6 năm thực hiện luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, cứ 3 người nghỉ hưu thì 2 người có tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa – 75% trung bình lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, đa số người hưởng lương hưu có mức lương trên 4 triệu đồng/tháng.
Giải đáp băn khoăn có thể quy định “cứng” các khoản phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác hay không, ông Cường dẫn chứng: “Đã có một doanh nghiệp gửi lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội một danh sách đâu đó khoảng 100 các khoản chi trả với người lao động. Như vậy, không quy định “cứng” các khoản thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được”.
Vị này phân tích, doanh nghiệp xây dựng nhiều khoản phụ cấp lương và các khoản chi bổ sung khác. Mỗi một doanh nghiệp có quy định khác nhau nên khó có thể đưa ra danh mục cứng các khoản lương, phụ cấp. Chỉ có khu vực nhà nước có thể quy định được vì đã có hệ thống thang bảng lương cụ thể để “áp”.
Trước tuổi nghỉ hưu có thể nhận trợ cấp hàng tháng
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được thiết kế gồm 9 chương và 133 điều.
Theo đó, nội dung sửa đổi chính tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội; Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến hoàn thiện, đưa ra Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024, có hiệu lực từ 1/1/2025.
So với Luật bảo hiểm xã hội hiện hành, dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng bảo hiểm xã hội cơ bản, tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung. Cơ quan soạn thảo luật đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ.
Điểm đáng lưu ý tại dự thảo luật là quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng từ quỹ bảo hiểm xã hội cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Điều này tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng của bảo hiểm xã hội của họ. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế.
Dự thảo luật còn đề xuất giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn như 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia hoặc những người tham gia không liên tục. Những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế”.
Việc sửa đổi này góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội như Nghị quyết 28 đề ra, để ngày càng có thêm nhiều người hơn có lương hưu. Quy định đồng thời, khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận