Năm 2025, Việt Nam sẽ có mô hình dự báo cung – cầu lao động phù hợp. Ngày 24/5, Báo Dân trí đồng hành cùng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phân tích, dự báo cung cầu – Giải pháp khơi thông điểm nghẽn thị trường lao động”.
Chương trình nhằm phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung – cầu lao động cục bộ hiện tại; thảo luận về giải pháp khắc phục hạn chế này, tập trung vào giải pháp phân tích và dự báo cung – cầu lao động.
“Món ăn ngon nhưng thực khách thờ ơ”
Trái với tình trạng thất nghiệp mà báo chí phản ánh thời gian gần đây, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội ghi nhận, ngoài việc bị cắt giảm do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên – vật liệu, không ít lao động thất nghiệp do không muốn tìm kiếm các vị trí việc làm mới.
“Chúng tôi cũng tổ chức các phiên việc làm từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên toàn bộ sàn giao dịch vệ tinh, thu hút doanh nghiệp tham gia với nhiều vị trí tuyển dụng hấp dẫn, nhưng nhiều lao động chưa tham gia. Chúng tôi cũng đang phải tìm hiểu nguyên nhân khiến món ăn rất ngon nhưng thực khách lại thờ ơ”, ông Vũ Quang Thành – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội – cho biết.
Theo ông Phạm Ngọc Toàn – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, ngoài tình trạng mất cân đối về số lượng (tức nơi thừa – nơi thiếu lao động), thị trường còn xuất hiện tình trạng mất cân đối về mặt trình độ (tức người lao động được đào tạo ở trình độ này nhưng thị trường có nhu cầu ở trình độ khác), về kỹ năng, về độ tuổi…
Những sự mất cân đối này trên cùng một địa bàn nhất định dẫn đến việc nguồn cung lao động đang thừa, nhưng doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân sự. Kết quả là xã hội không tận dụng được lao động hợp lý, kéo giảm năng suất lao động.
“Người lao động muốn tìm việc, nhưng khi thấy số người tìm việc lớn hơn nhu cầu, sẽ có cảm giác chán nản. Có người lao động không tham gia thị trường chính thức, gần đây nhất xuất hiện tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhìn trong dài hạn, người lao động mất bảo đảm an sinh xã hội, rủi ro cho cuộc sống của họ. Do đó, việc mất cân đối cung cầu lao động là vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay”, ông Toàn cho biết.
Dự báo thị trường được xem là “chìa khóa” giúp tháo gỡ tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động hiện nay. Bằng cách cung cấp thông tin kịp thời, giải pháp này được kỳ vọng giúp người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo… điều chỉnh kế hoạch và có giải pháp hiệu quả nhất.
Dự báo cung cầu hiện tại: Chưa mang ý nghĩa thực tế
Thực tế từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có không ít trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, trung tâm dự báo quốc gia, các viện nghiên cứu thuộc các bộ ngành…
Ngay cả các trường học, doanh nghiệp, cũng có nhiều đơn vị tham gia vào quá trình khảo sát và dự báo cung – cầu lao động. Nhưng Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược đánh giá, các báo cáo này chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp.
“Các đơn vị đang thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo. Mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau và chúng ta không biết sử dụng kết quả nào mới chính xác”, ông Toàn đánh giá.
Ngay tại Thủ đô, ông Vũ Quang Thành cho biết vẫn đang loay hoay, cân nhắc xem nên triển khai, sử dụng mô hình phân tích – dự báo nào để phù hợp với địa bàn.
Ông kỳ vọng sẽ có một mô hình phân tích – dự báo cung cầu lao động đảm bảo các yếu tố: khoa học, phù hợp với từng địa phương, linh hoạt để có thể áp dụng trong hiện tại lẫn tương lai và khả thi để ứng dụng vào thực tế.
Được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thông qua dự án Hệ sinh thái năng suất lao động (PE4DW), Cục Việc làm đang nghiên cứu, xây dựng một mô hình dự báo cung – cầu lao động phù hợp cho Việt Nam. Hướng tiếp cận của mô hình này là cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời, chi tiết đến từng địa phương và đáp ứng đúng nhu cầu của các bên liên quan.
Nếu thực hiện thành công, mô hình này sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời. Nhờ đó, người lao động biết được diễn biến thị trường đang ra sao để có sự chuẩn bị, tham gia đào tạo phù hợp. Doanh nghiệp xác định chi phí lao động từng vùng, khu vực để đánh giá nguồn nhân lực có sẵn sàng cho họ mở rộng đầu tư hay chưa. Các địa phương cũng có thể chủ động hơn trong việc điều tiết lao động, thay vì phụ thuộc vào trung ương như hiện nay.
“Mô hình này cũng giúp giải quyết được vấn đề xã hội bởi kết nối trên thị trường lao động hiệu quả. Các địa phương có thông tin rõ ràng, giảm chi phí cho xã hội. Người lao động dễ tìm việc. Doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí tuyển dụng, có lao động đảm bảo cho sản xuất kinh doanh”, ông Toàn kỳ vọng.
Dự kiến, mô hình dự báo này và nền tảng cơ sở dữ liệu (bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, cấu trúc cơ sở dữ liệu) sẽ được hoàn thiện vào năm 2024. Đến năm 2025 sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu và ra mắt mô hình ban đầu.
Bình luận