Đây là ý kiến được đại diện Tổ chức Lao động quốc tế chia sẻ tại tọa đàm “Nhìn lại 10 năm phát triển công tác an toàn vệ sinh lao động tại Việt Nam” ngày 28/8.
Tọa đàm được tổ chức để đánh giá việc triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời đánh giá việc thực hiện Công ước số 155 về an toàn, vệ sinh lao động, môi trường lao động và Công ước 187 về cơ chế tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động quốc tế ILO.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, các quy định pháp luật về ATVSLĐ của Việt Nam cơ bản tương thích, phù hợp với nội dung của công ước 155, 187 của ILO, các Hiệp định Thương mại tự do.
Để thực hiện nhiệm vụ Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-Chủ tịch được Ban Bí thư giao, Ban cán sự đã triển khai nhiều việc, làm đề cương, kiểm tra khảo sát tại 2 Bộ, 2 địa phương, 4 Tập đoàn; tổng hợp báo cáo từ 17 Ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng; 63 tỉnh ủy, thành ủy.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tin tưởng, các ý kiến đóng góp của các Ban, Bộ, ngành trung ương, các tổ chức chính trị – xã hội, đại diện các địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia… sẽ tạo nên bức tranh toàn cảnh về công tác an toàn, vệ sinh lao động của Việt Nam trong 10 năm qua.
Cũng chia sẻ tại tọa đàm, Giám đốc ILO Việt Nam Ingrid Christensen đánh giá, 10 năm qua, Việt Nam đã dành được rất nhiều thành tích ấn tượng, trong đó Việt Nam đã ban hành được Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện được rất nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho nhiều đối tượng khác nhau.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Giám đốc ILO Việt Nam, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với 4 thách thức lớn.
Thứ nhất, hiện nay số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức khá lớn, bên cạnh đó nhiều lao động đang dần chuyển sang các hình thức mới như lao động công nghệ, lao động làm việc tại nhà hoặc lao động làm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo…
Thách thức thứ 2 Giám đốc ILO Việt Nam đề cập là tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Đó là một bài toán phải giải để đảm bảo được an toàn, sức khỏe cho các lao động cao tuổi cũng như chú ý đến nhóm lao động trẻ tuổi cũng là vấn đề cần được chú ý.
Thứ 3 là vấn đề thanh tra, theo đánh giá của ILO, là vấn đề khó không chỉ với Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác đang gặp phải.
Thách thức thứ 4 là vấn đề số liệu, hiện nay lao động Việt Nam làm việc ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, những số liệu liên quan đến tai nạn lao động ở khu vực phi chính thức cần được báo cáo đầy đủ, rõ ràng, từ đó mới đưa ra được những giải pháp, giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn lao động ở khu vực này.
Giám đốc ILO Việt Nam cũng lưu ý, Việt Nam cần quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe và an toàn của người lao động bởi đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc giải quyết triệt để các vấn đề rủi ro liên quan đến an toàn lao động.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận