Mất ngủ vì Nuôi con “ăn bẩn ở sạch”, anh nông dân thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Sau thất bại với nghề nuôi thỏ, năm 2019, anh Phan Thanh Hòa (41 tuổi, thôn Ô Gia, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) quyết định chuyển hướng qua mô hình nuôi lươn không bùn.
Với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu đồng, anh Hòa đầu tư xây bể nuôi và mua con giống từ TPHCM về nuôi. Anh vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thông qua sách báo, internet.
Trong quá trình nuôi lươn không bùn, anh Hòa nhận thấy nguồn lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, trong khi lươn nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, chi phí nuôi thấp nên thị trường có nhu cầu cao về nguồn lươn giống chất lượng. Nắm bắt được điều đó, anh Hòa chú trọng phát triển mô hình ươm lươn giống.
Hướng đi mới không hề dễ dàng, nhiều lần anh Hòa thất bại, mất trắng cả nghìn con lươn giống. Tưởng chừng bỏ cuộc, vực dậy tinh thần, anh Hòa tiếp tục nghiên cứu ấp nở trứng lươn. Sau ba năm, sự kiên trì của anh đã có quả ngọt.
“Tôi mất ăn mất ngủ để kiên trì nghiên cứu ươm lươn giống, nhiều lần nghĩ bỏ cuộc, nhưng niềm đam mê đã giúp tôi cố gắng đến cùng. Hiện nay tôi đã ươm thành công, tỷ lệ trứng nở hơn 80%, nguồn cung không đủ bởi nhu cầu thị trường lớn”, anh Hòa chia sẻ.
Theo anh Hòa, để có được nguồn lươn giống khỏe mạnh, vấn đề tiên quyết chính là lựa chọn và nuôi dưỡng lươn bố mẹ khỏe mạnh, có như thế mới tạo được nguồn lươn giống khỏe, nuôi mau lớn.
Ngoài ra, quá trình nuôi phải chú ý đến các yếu tố khác như: kỹ thuật xây dựng bể, chọn bùn sạch không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật cho đến kỹ thuật thu trứng, ấp trứng, dưỡng con giống và phân cỡ con giống.
Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Để tạo môi trường sinh sản cho lươn, anh Hòa đào 6 ao bùn, tạo môi trường giống hệt như trong tự nhiên. Mùa lươn đẻ chủ yếu vào tháng 3-6 dương lịch và có thể đẻ vào mùa phụ tháng 8-9 dương lịch.
Trứng lươn được ấp trong bể nước có sục oxy, khoảng 7 ngày trứng sẽ nở thành lươn bột. Khi lươn giống được khoảng 3 tháng thì có thể xuất bán với giá trung bình 5.000 đồng/con.
Hiện nay, cơ sở của anh Hòa cung ứng hơn 60.000-70.000 con lươn giống mỗi năm; chuyên cung cấp cho các trại nuôi lươn thịt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Huế, Nghệ An…
Anh Hòa dự định đầu tư mở rộng quy mô trang trại, nâng tổng số lượng lươn giống cung ứng cho thị trường các tỉnh lên khoảng 100.000 con giống/năm.
Bên cạnh ươm lươn giống, anh Hòa còn đầu tư 3 bể nuôi lươn thương phẩm để nâng cao kinh tế gia đình và là cơ sở cho nhiều người có nhu cầu đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Anh Hòa cho hay, nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt hoặc lót gạch men phía dưới giúp dễ vệ sinh, dễ kiểm soát dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm diện tích và giá cả luôn ổn định ở mức cao.
Diện tích bể nuôi lươn không cần quá lớn, một bể hình chữ nhật 6m² có thể thả 2.000-3.000 con giống tùy kích thước. Không khí xung quanh trại nuôi phải thoáng mát, yên tĩnh, có mái che.
Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy hàng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn. Trên mặt nước nhất định phải rải nhiều sợi nilon làm giá thể để lươn trú ngụ.
Lươn là loài ăn tạp, anh Hòa tận dụng các nguyên liệu sẵn có để chế biến thức ăn cho chúng như cua, ốc, cá tạp, bổ sung thức ăn tinh cho lươn từ cám ngô, cám gạo, cung cấp chất xơ từ các loại rau, bèo. Đặc biệt, anh nuôi trùn quế để chủ động nguồn thức ăn cho lươn giống, tiết kiệm chi phí chăn nuôi.
Nhờ mô hình ươm nuôi lươn giống và nuôi lươn thương phẩm, mỗi năm cơ sở của anh Phan Thanh Hòa cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.
Nguồn: Dân trí.
Bình luận