Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh kinh tế, xã hội có nhiều khó khăn nhưng thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867.000 người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động nữ là 24,51 triệu người, chiếm tỷ lệ 46,86%; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,6%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67,5%, tăng khoảng 0,5% so với năm 2022; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 26,6%, tăng 0,4% so với năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,71%; lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, Bộ đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Các địa phương cũng đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm. Theo báo cáo nhanh của 52 tỉnh, thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng là gần 500.000 lao động.
Ngoài ra, tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Báo cáo của Bộ cho biết thu nhập bình quân của lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Về thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đến đúng đối tượng; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng.
Về các lĩnh vực xã hội, tiếp tục triển khai, thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội năm 2023; kịp thời phát hiện, giải quyết, thông tin về các vấn đề, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và các nội dung liên quan đến quyền trẻ em thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111); tăng cường truyền thông, thực hiện các biện pháp phòng, chống ma túy…
Công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng được đẩy mạnh. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023 số người tham gia BHXH khoảng 17,485 triệu người, tăng 662 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,29 triệu người, tăng 495 nghìn người.
Dự kiến số thu BHXH, BHYT, BHTN lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 220.688 tỷ đồng, tăng 21.398 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong 6 tháng đầu năm có 562.641 người đến nộp hồ sơ hưởng BHTN, tăng 10,5% so với cùng kỳ; 518.561 người có quyết định hưởng TCTN, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các đơn vị, địa phương cần tăng cường chủ động phân tích, dự báo, tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, theo dõi sát diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội.
Các đơn vị địa phương cần chủ động thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ, Tỉnh/Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố để kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kiến nghị xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận