84% người tìm việc là cử nhân, thạc sĩ, tỉ lệ chọi “gắt” hơn thi đại học

Để phục vụ nhu cầu chuyển nhà xưởng từ tỉnh Bình Dương về huyện Củ Chi (TPHCM) vào tháng 7, công ty T. đã rao tuyển và nhờ các đơn vị môi giới tuyển lao động phổ thông từ đầu năm. Tuy nhiên, đến nay nhà máy đã lắp đặt hoàn thiện nhưng số lượng lao động phổ thông mà công ty muốn tuyển vẫn chưa đủ.

Việc khó tuyển lao động phổ thông là tình hình chung của các doanh nghiệp thâm dụng lao động trên địa bàn TPHCM. Nguyên nhân thường do doanh nghiệp và người lao động không tìm được điểm chung về mức lương.

84% người tìm việc là cử nhân, thạc sĩ, tỉ lệ chọi gắt hơn thi đại học   - 1
Doanh nghiệp khó tuyển lao động phổ thông thường là do doanh nghiệp và người lao động không tìm được điểm chung về mức lương (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023 của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố) cho thấy, doanh nghiệp cần hơn 23.000 chỗ làm việc (chiếm 15,01% tổng nhu cầu nhân lực) ở nhóm lương thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng), chủ yếu là công việc cần lao động phổ thông.

Tuy nhiên, chỉ có 0,68% người tìm việc chọn mức lương này. Hầu hết lao động phổ thông đều tìm việc ở mức lương 5-10 triệu đồng/tháng. Nếu không tìm được công việc ổn định ở mức lương này, họ sẽ chuyển sang tìm kiếm các công việc tự do với mức thu nhập theo ngày, rất ít người tham gia tìm việc ở thị trường lao động chính thức.

Tính theo ngành nghề, 2 nhóm ngành mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất là kinh doanh thương mại (38.000 chỗ làm việc) và dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ (cần hơn 14.000 chỗ làm việc).

Hầu hết các vị trí tuyển dụng ở 2 nhóm ngành này đều là lao động phổ thông như: nhân viên bán hàng và tư vấn bán hàng; nhân viên kinh doanh; cộng tác viên bán hàng trên mạng; bảo vệ; nhân viên đóng gói hàng hóa; nhân viên dọn dẹp vệ sinh…

Tuy nhiên, cả 2 nhóm ngành tuyển dụng “khủng” này đều rất khó tuyển được người làm. Đặc biệt là ở nhóm ngành dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ, doanh nghiệp cần hơn 14.000 chỗ làm việc nhưng chỉ có 251 người ứng tuyển.

84% người tìm việc là cử nhân, thạc sĩ, tỉ lệ chọi gắt hơn thi đại học   - 2
Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nguồn cung của thị trường đang có sự chênh lệch về mức lương, trình độ chuyên môn (Nguồn: Falmi).

Ngoài nhóm lao động phổ thông, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM còn cần tuyển dụng số lượng lớn lao động có tay nghề trình độ sơ cấp đến cao đẳng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 36.000 lao động trình độ cao đẳng, gần 38.000 lao động trình độ trung cấp và gần 29.000 lao động trình độ sơ cấp.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm chỉ có gần 7.000 lao động trình độ cao đẳng, gần 1.400 lao động trình độ trung cấp và 258 lao động trình độ sơ cấp đăng ký tìm việc. Nguồn cung trên quá thấp so với nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, nhóm lao động có trình độ đại học trở lên tham gia tìm việc làm là hơn 64.000 người (chiếm hơn 84% tổng số lao động đăng ký tìm việc), còn số chỗ việc làm trình độ đại học mà doanh nghiệp muốn tuyển dụng chỉ là hơn 30.000.

Nguồn: Dân Trí.

Bình luận