Thủ tướng: Đảm bảo việc làm, ưu tiên giải quyết nhà ở cho công nhân
Bảo đảm việc làm cho người lao động
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng đã được đón Tết Nguyên đán 2023 đầm ấm, sum vầy, đoàn kết, hiệu quả.
“Đây là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước, người dân, trong đó có đóng góp lớn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất quan trọng, giúp hoạt động công đoàn ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động.
Thủ tướng mong muốn hai bên đánh giá một cách khách quan, trung thực kết quả thực hiện công tác phối hợp trong năm 2022, đưa ra nhiệm vụ giải pháp 2023 một cách thiết thực, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh cần chọn một số việc làm cụ thể, trọng tâm, thiết thực để hoàn thành dứt điểm, mang lại hiệu quả. Ông gợi ý công tác phối hợp cần tập trung vào vấn đề đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề của người lao động. Bên cạnh đó, đối với công nhân lao động, có an cư mới lạc nghiệp.
“Cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất. Bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng tin tưởng công tác phối hợp trong thời gian tới giữa hai bên sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động; góp phần thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.
Đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Vân Hà – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nhà ở công nhân là vấn đề muôn thuở nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Theo bà Hà, Bắc Ninh hiện có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 330.000 công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 75% là lao động ngoại tỉnh, hơn 100.000 công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở.
Để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch 22 dự án nhà ở công nhân. Hiện nay, đã có 7 dự án nhà ở công nhân đi vào hoạt động, số căn đã bán và cho thuê của các dự án đạt từ 10-50%.
“Gần 100.000 công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều khu chất lượng và an ninh chưa được đảm bảo”, bà Hà nói.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho hay, thực tế cho thấy, nhu cầu mua nhà ở xã hội của công nhân lao động chủ yếu tập trung vào nhóm lao động quản lý, thu nhập cao, việc làm ổn định. Nhu cầu thuê nhà ở chủ yếu tập trung ở nhóm công nhân lao động trực tiếp, có mức thu nhập thấp đến trung bình khá, hay thay đổi việc làm hoặc sống cùng gia đình, người thân.
Khảo sát của LĐLĐ và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho thấy, 2/3 số con nhỏ của công nhân lao động trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học (50.000 trẻ) phải gửi về quê nhờ ông bà, người thân chăm sóc.
2/3 tổng thu nhập hàng tháng của công nhân lao động các khu công nghiệp được gửi về quê hỗ trợ gia đình, người thân và nuôi con nhỏ.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ cần quan tâm quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế… nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu của công nhân lao động khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư 1 phần ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; cần có chính sách hỗ trợ công nhân lao động tiền thuê nhà ở, thông qua các hình thức: Hỗ trợ trực tiếp người lao động thuê nhà ở của các dự án nhà ở công nhân hoặc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp khi thuê lại các dự án nhà ở công nhân, cho công nhân của họ ở theo nhu cầu.
Ngoài ra, cần có quy định nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở cho công nhân, phải hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà, tối thiểu 500.000 đồng/tháng/người và được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp; đề nghị giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 hoặc 40 giờ/tuần, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Đồng tình với kiến nghị của Bắc Ninh, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương mong Thủ tướng quan tâm để chỉ đạo thêm đối với vấn đề nhà ở xã hội.
“Doanh nghiệp có tồn tại thì đời sống người lao động mới ổn định. Vì vậy, cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là về thuế”, bà Loan nói.
Về vấn đề thời gian làm việc, bà Loan cho rằng, cần nghiên cứu theo hướng bền vững hơn để người lao động, nhất là lao động nữ có thêm thời gian tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.
Bình luận