Ngành “lo toan cho con người”
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ LĐ-TB&XH sáng 14/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhạy cảm, yêu cầu cao, khả năng đáp ứng có hạn, thời gian thì “không chờ đợi ai”.
Nói về những kết quả đạt được của năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đó rất tích cực, trong bối cảnh cả nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước đã thực hiện một loạt các chính sách với đối tượng rộng, quy mô lớn nhất từ trước tới nay, khi phải chịu tác động tiêu cực kép từ cả bên trong và bên ngoài, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trong thành tựu chung của cả nước, đóng góp của Bộ LĐ-TB&XH, theo Thủ tướng, rất đáng trân trọng, ghi nhận. Nhìn lại cả năm 2022, thành tựu, thành tích đạt được của ngành nhiều hơn, cao hơn những hạn chế, tồn tại.
“Con người từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho tới khi về lại lòng đất, ngành lao động và xã hội đều phải lo toan. Công tác như vậy là rất quan trọng, nhạy cảm và khó khăn.
Vấn đề là chúng ta đã có cách ứng xử đúng đắn, luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách”, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rất lớn, nặng nề, mang tính chất tổng thể.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã hoàn thành đạt và vượt cả 6/6 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao.
Trong đó, chính sách người có công với cách mạng tiếp tục được hoàn thiện, triển khai kịp thời. Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của ngành trong việc thẩm định, thực hiện nhiệm vụ này, nhất là việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công khi thời gian các cuộc chiến tranh đã qua gần trọn thế kỷ, dữ liệu xác minh thất lạc, thay đổi phức tạp.
Ghi nhận khác của lãnh đạo Chính phủ với ngành là việc tăng cường kết nối cung – cầu lao động. Ở đó, Bộ đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương.
Nhắc lại giai đoạn khó khăn khi đại dịch Covid-19 tạo ra biến động lớn với dòng lao động, thị trường lao động, Thủ tướng khẳng định những con số như chăm lo cho hàng chục triệu người lao động, đưa gần 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc thể hiện khả năng kết nối cung cầu tốt của cơ quan quản lý nhà nước.
Đề cập nhiệm vụ hỗ trợ người lao động, người dân trong giai đoạn khó khăn mấy năm qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đề xuất xây dựng các chính sách và thực hiện với con số hơn 100.000 tỷ đồng phải chi trả là một nỗ lực rất lớn của Bộ LĐ-TB&XH.
Chia sẻ và biểu dương những nỗ lực của ngành, Thủ tướng khái quát, các chính sách xã hội đã được thực hiện rất tốt với đối tượng bao phủ rộng, quy mô lớn. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động tiếp tục được thực hiện hiệu quả.
“Không hy sinh xã hội vì phát triển kinh tế đơn thuần”
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2023 là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế.
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
“Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, các địa phương phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo đời sống của người có công; tăng cường vận động, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ”, Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành cần tập trung triển khai tốt Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng trước các rủi ro trong cuộc sống.
Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ, phù hợp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết không hy sinh an sinh xã hội, môi trường xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo đảm toàn xã hội, mọi xã, phường, thị trấn cùng chung tay chăm sóc người có công.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy…
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, năm 2023, Ngành LĐ-TB&XH sẽ phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn; thực hiện tốt mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Bình luận