“Dù doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng”

“Dù doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng “Lương tăng 11%, thưởng Tết tăng 6%

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Chính phủ hôm nay, 3/1/2023, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, đáng mừng là kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định, lạm phát được kiểm soát, đặc biệt là 5 cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện mạnh, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị về những kết quả, thành công trong lĩnh vực điều hành kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Dung báo cáo, trong lĩnh vực xã hội, lao động – việc làm năm 2022, cả nước đã triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả chính sách xã hội nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều…

Dù doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng - 1
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị Chính phủ ngày 3/1/2023.

Các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do Covid-19 cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm.

Và điều đáng mừng, theo Bộ trưởng, đời sống người dân cơ bản ổn định và được cải thiện. Người đứng đầu ngành công tác xã hội nêu con số, bình quân thu nhập đầu người năm 2022 đạt mức 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021.

Tổng kết gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội về các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19, cả nước đã sử dụng gần 105.000 tỷ đồng, hỗ trợ 68,67 triệu lượt người lao động, 1,4 triệu người sử dụng sử dụng lao động. Tất cả các chính sách đã kết thúc vào ngày 30/12/2022.

Điểm sáng khác, thị trường lao động phục hồi nhanh, cơ quan quản lý nhà nước đã không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cơ bản đảm bảo sự cân đối thị trường. Đến hết năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,7 triệu người, số đang làm việc đạt 50,6 triệu người, lao động phi chính thức giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,23%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%.

“Điều đáng mừng, theo báo cáo điều tra tại các địa phương, tiền lương bình quân khu vực doanh nghiệp là 7,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó, lương trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 9,52 triệu đồng/tháng; khu vực FDI đạt 8,47 triệu; khu vực dân doanh là 8,02 triệu.

Về tiền thưởng Tết, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, báo cáo của 63 tỉnh, thành phố và các tập đoàn doanh nghiệp cho thấy, thưởng Tết Nguyên đán năm nay bình quân đạt 6,86 triệu đồng, tăng 11% so với năm 2021. Doanh nghiệp thưởng cao nhất là 1,4 tỷ đồng, ở Đà Nẵng, thưởng cao nhất tại TP HCM là 759 triệu, Hà Nội là 400 triệu, Bà Rịa – Vũng Tàu là 535 triệu…

3 yếu tố tác động tới việc làm, an sinh 

Dù doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng - 2
Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra trọn ngày 3/1/2023.

Về năm 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ những khó khăn khi đầu tư cho chính sách xã hội còn thấp, huy động xã hội cũng không dễ do tiềm lực tích lũy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài.

Từ tháng 10/2022 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực có xu hướng giảm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng, một số doanh nghiệp giảm lao động, giảm giờ làm tạm thời. Qua thống kê, đã có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng cục bộ, chiếm khoảng 0,06%. Số lao động bị ảnh hưởng là 637.000 người, chiếm 4%, trong đó có 53.000 người mất việc làm, chủ yếu ở các ngành may mặc, dệt may, chế biến gỗ tại các tỉnh phía Nam.

Liệt kê những vấn đề tác động xã hội lớn trong năm mới, vị tư lệnh ngành nhấn mạnh 3 yếu tố tác động mạnh đến lao động, việc làm và an sinh xã hội. Đó là hậu quả Covid-19 để lại; tác động lạm phát, suy thoái, thu hẹp qua mô sản xuất; tác động của chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gây áp lực đào thải lực lượng lao động mà kỹ năng không phù hợp.

Dự báo về tình hình năm 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, một số doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới. Quý I, II sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung. Bộ trưởng nhấn mạnh, đặc trưng của thị trường lao động Quý I, II là số lao động nhảy việc lớn. Tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng ở một số địa bàn sẽ gia tăng, khoảng 350.000 đến 400.000 lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật.

Bộ Lao động xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là trình Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội 2023 – 2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại. Tiến hành rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Ngành cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực trong việc thực hiện các chính sách xã hội. Triển khai toàn diện, thiết thực các chính sách an sinh xã hội, nhất là chăm lo với người có công, đối tượng yếu thế và các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Các cơ quan cũng xúc tiến việc sửa luật Bảo hiểm xã hội, luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an sinh cho Nhân dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành tựu đổi mới đất nước.

Bình luận