Thủ tướng nói về ngành lao động qua chuyện thay đổi nguồn nhân lực Việt

Thủ tướng: Nhiệm vụ của ngành Lao động rất quan trọng, nhạy cảm và khó khăn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, ông cùng một số lãnh đạo đến dự hội nghị của Bộ Lao động trong không khí phấn khởi về những kết quả đạt được của ngành trong năm 2022. Thủ tướng cho rằng, ngành lao động, thương binh và xã hội có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi quản lý rộng, đòi hỏi yêu cầu cao mà nguồn lực thì hạn chế. Ngành đã luôn kịp thời đề xuất các cơ chế chính sách để quản lý tốt lĩnh vực.

“Con người từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho tới khi về lại lòng đất, ngành lao động và xã hội đều phải lo toan. Công tác như vậy là rất quan trọng, nhạy cảm và khó khăn” – Thủ tướng nhận định.

Người đứng đầu Chính phủ khái quát, đây là lĩnh vực quan trọng, trực tiếp phục vụ hàng chục triệu người và gia đình có công, người lao động và người thuộc các đối tượng xã hội khó khăn, yếu thế, đòi hỏi sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc. Ghi nhận những nỗ lực của ngành, Thủ tướng gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ ngành.

Nói về những kết quả đạt được của năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đó rất tích cực, trong bối cảnh cả nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước đã thực hiện một loạt các chính sách với đối tượng rộng, quy mô lớn nhất từ trước tới nay, khi phải chịu tác động tiêu cực kép từ cả bên trong và bên ngoài, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trong thành tựu chung của cả nước, đóng góp của Bộ LĐ-TB&XH, theo Thủ tướng, rất đáng trân trọng, ghi nhận. Nhìn lại cả năm 2022, thành tựu, thành tích đạt được của ngành nhiều hơn, cao hơn những hạn chế, tồn tại.

Ngành đã hoàn thành đạt và vượt cả 6/6 chỉ tiêu được giao. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Bộ đã xây dựng, trình ban hành 3 Nghị định, 3 quyết định, 20 thông tư và đang đề nghị sửa luật Việc làm, một đạo luật hết sức quan trọng. Ngành cũng đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, liên thông, kết nối giữa các đơn vị trong Bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về chính sách chăm lo người có công, Bộ đã tiếp tục hoàn thiện, triển khai kịp thời chính sách nhằm nâng cao hơn nữa mức sống của người có công cả về vật chất và tinh thần. Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của ngành trong việc thẩm định, thực hiện nhiệm vụ này, nhất là việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công khi thời gian các cuộc chiến tranh đã qua gần trọn thế kỷ, dữ liệu xác minh thất lạc, thay đổi phức tạp.

Thủ tướng kể, làm việc trực tiếp với các đơn vị trực tiếp xử lý vấn đề này mới thấy công việc rất khó, phức tạp nhưng ngành đã làm tốt.

Ghi nhận khác của lãnh đạo Chính phủ với ngành là việc tăng cường kết nối cung – cầu lao động. Bộ đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương.

Nhắc lại giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành dẫn đến những di biến động lớn với dòng lao động, thị trường lao động, Thủ tướng khẳng định những con số như chăm lo cho hàng chục triệu người lao động, đưa hơn 142.000 lao động ra nước ngoài làm việc thể hiện khả năng kết nối cung cầu tốt của cơ quan quản lý nhà nước.

“Vừa qua, đi thăm nhà máy lọc dầu Dung Quất thì thấy rất rõ những thay đổi tích cực về nguồn nhân lực của Việt Nam, gần như không còn người nước ngoài tham gia hoạt động quản lý, kỹ thuật ở đó nữa” – Thủ tướng đánh giá về hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Dẫn chứng thêm về nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thủ tướng đề cập, năm 2021, cơ quan điều hành rất chật vật về mô hình sản xuất hợp tác với nước ngoài này. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất, được vận hành bởi 100% người Việt, dù đã vận hành vượt công suất thiết kế vẫn hết sức trơn tru, hiệu quả.

Dẫn chứng thêm về nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thủ tướng đề cập, năm 2021, cơ quan điều hành rất chật vật về mô hình sản xuất hợp tác với nước ngoài này. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất, được vận hành bởi 100% người Việt, dù đã vận hành vượt công suất thiết kế vẫn hết sức trơn tru, hiệu quả.

“Tôi nói chuyện thẳng thắn với cả 2 đối tác. Tôi đã nói với Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Cô-oét nhiều lần, viết cả thư để nói về việc bất hợp lý khi Việt Nam đang phải chịu thua thiệt trong liên danh hợp tác này” – Thủ tướng chia sẻ.

Đề cập nhiệm vụ hỗ trợ người lao động, người dân trong giai đoạn khó khăn mấy năm qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đề xuất xây dựng các chính sách và thực hiện với con số hơn 100.000 tỷ phải chi trả là một nỗ lực rất lớn của Bộ LĐ-TB&XH.

Chia sẻ và biểu dương những nỗ lực của ngành, Thủ tướng khái quát, các chính sách xã hội đã được thực hiện rất tốt với đối tượng bao phủ rộng, quy mô lớn. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động tiếp tục được thực hiện hiệu quả.

Công tác giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi triển khai khá toàn diện và tương đối đầy đủ, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam hiện là đất nước với 100 triệu dân, cơ cấu dân số rất đa dạng, với những vấn đề liên tục phát sinh, phải kịp thời giải quyết. Bộ đã tích cực cùng các bộ ngành khác trong công tác giảm nghèo, bảo vệ trẻ em, thực hiện bình đẳng giới…

Thủ tướng đánh giá chung, những thành tích đạt được của ngành trong năm 2022 là rất toàn diện. Bài học có thể rút ra là Bộ đã bám sát, triển khai nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn ngành, với các bộ ngành, cơ quan khác; tinh thần chủ động tham mưu, đề xuất chính sách.

Những hạn chế cần khắc phục trong năm 2023

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong năm 2023 cũng như thời gian tới.

Đó là thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động.

Công tác xây dựng nghiên cứu chiến lược có tính chất dài hơi cũng chưa được tập trung nghiên cứu. Một số vấn đề bất cập đã nhìn thấy rất rõ, như vấn đề mất cân bằng giới tính, già hóa dân số, thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, chưa bền vững, chưa an toàn, các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao trùm đủ hết các đối tượng, chênh lếch mức sống giữa các vùng miền còn lớn…

Thủ tướng chỉ đạo, tới đây cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chiếm lĩnh để khắc phục những khó khăn, thách thức trong năm 2023.

Thị trường lao động trong năm nay, theo Thủ tướng, sẽ bị tác động nhiều, biểu hiện ở đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, những xu hướng chuyển dịch lớn đang diễn ra.

Yêu cầu tinh thần tỉnh táo, bình tĩnh, bản lĩnh trong công tác điều hành, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại bài học để vượt qua thời điểm khó khăn trong tháng 10, 11/2022 vừa qua. Từ đó, ông nhấn mạnh phương châm hành động năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương; Bản lĩnh linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời hiệu quả” đã được đề ra tại Nghị quyết 01 mới ban hành của Chính phủ.

“Nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế” – Thủ tướng yêu cầu.

Quan điểm điều hành trong năm 2023, theo Thủ tướng là phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết đại hội 13 của Đảng có liên quan đến lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu, điều hành chuyên sâu.

Về nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”, cần tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất các chính sách về lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Về phát triển thị trường lao động, Thủ tướng đề cập yêu cầu gắn kết cung – cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông kể, làm việc với nhiều nhà đầu tư, đối tác, hầu hết họ chỉ có 2 băn khoăn là về hạ tầng và nguồn lao động. Intel vào Việt Nam chỉ hỏi vào đầu tư thì trong 48 giờ có thể đưa sản phẩm đi đến đâu, cần xây dựng nhà máy thì bao lâu có đủ nhân lực để vận hành.

“Tôi đã thăm trung tâm đối mới, sáng tạo của nước ngoài, chỉ 500ha mà tạo ra giá trị tăng trưởng rất lớn khi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao nhất ở đó” – Thủ tướng liên hệ khi nói về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.

Gợi ý của lãnh đạo Chính phủ là tận dụng cơ cấu dân số vàng, tăng cường kỹ năng số cho người lao động, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, Thủ tướng lưu ý nhiều tới chính sách nhà ở với công nhân lao động, với người thu nhập thấp.

Ông cũng nhắc tới yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc như tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán phụ nữ trẻ em.

Sau cùng, Thủ tướng nhắc nhở việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức. Ông phân tích kỹ mô hình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mô hình dạy nghề đi cùng dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời cảm ơn trân trọng tới Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành đã hỗ trợ tối đa để Bộ LĐ-TB&XH đạt được kết quả như đã khẳng định.

Chia sẻ về phạm vi công việc rộng lớn với 14 lĩnh vực phải quản lý, Bộ trưởng cho biết, năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ dành nhiều thời gian mà còn trực tiếp chỉ đạo nhiều lĩnh vực, việc thực hiện các chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động để cùng ngành vượt qua thời điểm khó khăn.

Bộ trưởng khẳng định nghiêm túc tiếp thu 5 quan điểm, 11 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại hội nghị để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023.

09:46・14/01/2023
“Hiện tượng trục lợi chính sách được hạn chế tối đa”

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thống nhất cao với báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về những khó khăn, thách thức với công tác an sinh xã hội trong năm 2023. Nhận thức về vấn đề này, ngành BHXH muốn cùng phối hợp để mở rộng độ bao phủ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Hiện cả nước có gần 17,4 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội còn bảo hiểm y tế đã đạt tỷ lệ phủ trên 92% dân số.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong hoạt động, ông Mạnh nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương, phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ. 2 năm qua, số tiền hỗ trợ chi trả với các đối tượng lên tới hơn 104.000 tỷ đồng. Việc phối hợp từ khâu xây dựng chính sách với ngành lao động đã giúp việc triển khai thực hiện sau đó cũng thuận lợi, thống nhất, nhanh gọn. Qua đó, hiện tượng trục lợi chính sách được hạn chế tối đa.

“Phải nói chưa bao giờ việc phối hợp xây dựng chính sách giữa ngành lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội chặt chẽ, hiệu quả như vậy” – ông Nguyễn Thế Mạnh dẫn chứng từ việc xây dựng luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đang làm trưởng ban chỉ đạo.

Tại hội nghị, thực hiện công tác thi đua khen thưởng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ trưởng mới đây đã ký quyết định, tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cho 16 Sở LĐ-TB&XH các địa phương và 21 đơn vị thuộc Bộ.

Tại đầu cầu hội nghị ở Trung ương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao cờ và tặng thưởng đại diện 6 đơn vị trong số này.

09:37・14/01/2023
Phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đại

Tại hội nghị, Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu 2 vấn đề giáo dục nghề nghiệp và trẻ em, thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mà UB giám sát trong năm 2022.

Theo ông Vinh, về giáo dục nghề nghiệp, cả quy mô và chất lượng đã được cải thiện thời gian qua. Có thể thấy giáo dục nghề nghiệp hầu hết đang được mở rộng ở khu vực ngoài công lập. Do vậy, Bộ Lao động nên huy động nguồn lực xã hội tối đa để thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đại theo hướng cơ cấu lại ngành nghề đào tạo.

Vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, định mức tiêu chuẩn đào tạo như Đà Nẵng nêu là những vấn đề thiết thực cần tập trung giải quyết.

Về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục nhận định, trọng tâm thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em đã được Bộ ưu tiên triển khai. Dù vậy, việc phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích với trẻ em vẫn diễn ra.

Thời gian tới, Bộ cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Luật Trẻ em, các chương trình đề án về trẻ em giai đoạn 2021-2025, thực hiện hiệu quả tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, ngăn chặn việc xâm hại trẻ em.

09:24・14/01/2023
Đà Nẵng muốn cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp

Từ đầu cầu Đà Nẵng, lãnh đạo UBND thành phố cho biết địa phương đã thực hiện tốt các chính sách, hướng dẫn của Trung ương. Kết quả, Đà Nẵng đã về đích ở vị trí thứ 3 về tốc độ tăng trưởng GRDP, là một trong những tỉnh sớm phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, về lĩnh vực việc làm, trong năm 2022, thành phố tổ chức được hơn 50 phiên giao dịch việc làm, kết quả kết nối việc làm cho hàng nghìn lao động.

Thành phố cũng triển khai dự báo thường xuyên về nhu cầu nguồn nhân lực, cung cầu lao động để có quyết sách kịp thời.

Với việc triển khai đồng bộ các chính sách về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 2,25%, thấp hơn rất nhiều so với con số hơn 8% của năm 2021.

Chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ học nghề cũng được Đà Nẵng chú trọng, kết quả đã tuyển sinh được cho hơn 450 lao động thuộc diện này.

Năm 2023, nhận định chung là dịch bệnh đã được kiểm soát, Đà Nẵng sẽ tập trung khai thông các nguồn lực, phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động. yêu cầu đặt ra là cần có cách làm mới, cách tiếp cận mới.

Đà Nẵng sẽ thực hiện nghiêm túc đề án về nguồn nhân lực cho khu vực tư. Bà Kim Yến kiến nghị, để thực hiện chủ đề khơi thông nguồn lực, Đà Nẵng mong được Chính phủ tăng cường xúc tiến đầu tư tới thành phố; sớm được hướng dẫn về sử dụng nguồn lực công cho việc giáo dục nghề nghiệp, sớm có bộ tiêu chí ngành nghề tiêu chuẩn quốc gia cho tất cả các nghề…

Đà Nẵng cũng muốn thực hiện cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhưng một số thông tư hướng dẫn có trước năm 2018 đang gây vướng mắc cần tháo gỡ để doanh nghiệp có thể chủ động hơn với việc này.

Bình luận