Trung tâm môi giới bán lao động?
Ông Hồ Văn Lê (78 tuổi, trú tại thôn A Rông, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là người vừa phải vay mượn hơn 5 triệu đồng để chuộc 2 con đang lao động từ tỉnh Lâm Đồng về nhà khi nghe theo lời “Việc nhẹ lương cao“. Với ông Lê, một người dân đồng bào Pa Kô ở vùng biên Quảng Trị. Đây là số tiền lớn, như ông Lê nói, là cả một năm lao động.
Nhắc lại câu chuyện chuộc con với phóng viên Dân trí, ông Hồ Văn Lê vẫn chưa hết bức xúc. Theo ông Lê, sau dịp Tết Nguyên đán 2023, nhiều người ở xã Lìa truyền tai nhau về việc có công ty tuyển dụng lao động làm “việc nhẹ lương cao” nên 2 con của ông là Hồ Văn Son (37 tuổi) và Hồ Văn Xơi (22 tuổi) đã tìm hiểu và làm hồ sơ xin việc.
“Họ nói vào trong Lâm Đồng nuôi heo, trồng rau, lương 7 triệu đồng một tháng, chủ lo ăn, ở cho. Công việc như vậy, người dân nơi đây ai cũng thích cả vì ở nhà vất vả, nên tôi đồng ý để 2 con đi làm xa”, ông Hồ Văn Lê cho hay.
Ngày 17/2, Hồ Văn Son và Hồ Văn Xơi cùng nhóm người ở xã Lìa được ô tô đón, đưa ra Quốc lộ 9 rồi bắt xe vào Lâm Đồng để làm việc theo thỏa thuận.
Tới nơi, họ lăn tay vào hồ sơ việc làm với thỏa thuận chăn nuôi heo và bị giữ căn cước công dân. Nhóm lao động người Pa Kô này sau đó được chia ra làm việc ở nhiều nơi, với các công việc khác nhau. Hồ Văn Xơi cùng anh trai và 2 người khác làm việc chung trang trại, hàng ngày đi cắt rau, nhổ cỏ, làm vườn…
Làm được ít ngày, nhóm lao động thấy công việc không như thỏa thuận ban đầu, việc cực nhọc trong khi còn phải vay tiền của chủ để tự lo ăn uống, tiền công chưa biết thế nào nên quyết định xin nghỉ.
Họ tìm đến chủ trang trại xin nghỉ để về quê tìm việc khác nhưng không được đồng ý. Nhóm anh Xơi bị yêu cầu tiếp tục làm việc hoặc gia đình phải nộp tiền mới được nhận giấy tờ về nhà.
Theo anh Hồ Văn Xơi, khi các lao động đặt vấn đề xin nghỉ thì mới biết, để có được các lao động này, chủ trang trại phải bỏ ra số tiền 2,5 triệu đồng/người. Bởi vậy, nếu Xơi và những lao động người Pa Kô muốn nghỉ thì phải trả lại số tiền chủ đã bỏ ra, kèm theo đó là tiền ăn uống còn nợ.
Như lời anh Xơi thì “chẳng khác nào bị người môi giới bán cho các chủ trang trại để làm việc”.
Chạy vạy vay tiền chuộc con
Biết bản thân bị lừa khi đi làm việc tại Lâm Đồng, 2 anh em Hồ Văn Xơi, Hồ Văn Son và 2 người làm cùng trang trại không còn cách nào khác đành phải liên hệ cầu cứu gia đình, bởi trong túi họ cũng không có tiền.
Lo lắng cho con, ông Hồ Văn Lê cùng 2 gia đình khác tại thôn A Rông, xã Lìa đã làm thủ tục vay khoảng 13 triệu đồng và nhờ người chuyển vào tài khoản cho chủ trang trại ở tỉnh Lâm Đồng. Sau khi nộp tiền, nhóm anh Xơi gồm 4 người mới được cho nghỉ và bắt xe về quê.
“Họ yêu cầu tôi phải chuyển tiền chuộc thì mới trả con chúng tôi về. Những người môi giới họ làm như thế là lừa bà con chúng tôi rồi, số tiền chuộc con bằng cả một năm làm việc của tôi”, ông Hồ Văn Lê chia sẻ.
Như ông Lê, để con trai là Hồ Văn Thao có thể trở về, bà Hồ Thị Xuân (43 tuổi) cũng phải đi vay mượn tiền mà chưa biết bao giờ mới trả được. Với bà con người Pa Kô, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả thì hơn 3 triệu đồng là số tiền lớn.
“Đi làm rẫy, bán sắn cũng chẳng được mấy tiền, làm chỉ đủ ăn thôi, tưởng cho con trai đi làm kiếm tiền, có công việc nhẹ lương cao cho đỡ vất vả, nào ngờ không có việc còn nợ nần thêm”, bà Xuân cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, trong đợt vừa qua, có 18 lao động người Pa Kô ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa đi theo đường dây môi giới lao động kể trên. Việc người dân địa phương đi lao động rồi gia đình phải gửi tiền để chuộc về khiến cả vùng quê nghèo biên giới xôn xao.
Liên quan đến vụ việc, ông Hồ Văn Ta Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa cho hay, địa phương đã nắm được thông tin và đang phối hợp với lực lượng công an, biên phòng tiến hành rà soát lại.
Trước mắt, phía chính quyền địa phương đang tuyên truyền để ổn định tâm lý bà con đồng thời khuyến cáo người dân nếu có nhu cầu tìm việc cần cẩn trọng xem xét, tìm đến địa chỉ uy tín để tránh sa bẫy kẻ lừa đảo.
Lìa là xã biên giới, giáp với Lào. Địa phương này hiện có 1.200 hộ với 5.300 khẩu, phần lớn là người dân tộc thiểu số Pa Kô. Đây là xã thuần nông, đất đai cằn cỗi, kinh tế kém phát triển nên nhu cầu tìm việc làm rất cao.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận