Lao động trốn – lao động chui ở lại, gia đình đồng thuận?
Thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) hiện đang có 30 lao động làm việc tại Hàn Quốc thì 1/3 trong số đó đã hết thời hạn hợp đồng. Con số này ở toàn huyện Hưng Nguyên là 180 người.
Ông Nguyễn Văn Long – cán bộ chính sách, xã hội thị trấn Hưng Nguyên cho rằng, mức chênh lệch về thu nhập, cơ hội tìm kiếm việc làm là nguyên nhân dẫn đến việc lao động không về nước khi hết hạn hợp đồng. Trong quyết định ở lại “chui” của mỗi lao động, ông Long cho rằng, có sự đồng thuận từ người thân, gia đình.
Cùng với Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang bị phía Hàn Quốc “cấm cửa” tham gia chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ nước này – PV). So với 11/21 huyện, thành, thị bị đưa vào “danh sách đen” ở thời điểm năm 2018-2019 thì việc giới hạn lại “black list” cũng là một nỗ lực lớn của ngành lao động Nghệ An trong thời gian qua. Mặc dù vậy, đây vẫn là tỉnh có số địa phương bị phía Hàn Quốc áp dụng lệnh cấm cao nhất cả nước.
Tính đến tháng 3/2023, tỉnh Nghệ An đang có 1.770 lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của huyện Hưng Nguyên là 46,55%, huyện Nghi Lộc 29,03% và thị xã Cửa Lò 28,97%.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Lao động – Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An cho biết: “Hiện ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình có con em là lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước. Tuy nhiên nỗ lực của phía Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương và ngành LĐ-TB&XH là chưa đủ.
Để giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp sau khi hết thời hạn hợp đồng, chính quyền sở tại ở Hàn Quốc cần tăng cường quản lý lao động nước ngoài cũng như các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người nước ngoài, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động nước ngoài trái pháp luật”.
Hiện, tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể xã hội nhằm đạt mục tiêu hết năm 2023 không còn địa phương nào nằm trong danh sách bị Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS.
Một trong những giải pháp mấu chốt để thu hút lao động về nước đúng thời hạn, theo ông Trần Phi Hùng là giải quyết việc làm tại chỗ. Bởi vậy, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện để tiếp nhận người lao động đã làm việc tại Hàn Quốc về nước vào làm việc.
Tăng ràng buộc trách nhiệm
Khoản ký quỹ 100 triệu đồng đối với lao động trước khi xuất cảnh so với thu nhập khi bỏ trốn ra ngoài được cho là có thể bù lại trong thời gian ngắn. Trong khi đó, từ trước tới nay, chế tài xử phạt đối với lao động bất hợp pháp từ phía nước bạn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đây được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khó ngăn chặn triệt để tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi hết hợp đồng.
Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc ở các địa phương đang bị “cấm cửa” mà còn làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam ở nước bạn.
“Có nhiều chính sách để khuyến khích người lao động về nước đúng thời hạn như ưu tiên giới thiệu việc làm, dành cơ hội tái xuất cảnh… Tuy nhiên, việc làm phù hợp với kinh nghiệm, cũng như thu nhập có thể chấp nhận được đối với người lao động trở về từ Hàn Quốc trong bối cảnh chung về thị trường lao động ở Nghệ An tôi nghĩ chưa sát.
Trong khi đó, lao động muốn quay trở lại thị trường Hàn Quốc phải trải qua một kỳ thi và tiếp tục chờ đợi trong khoảng thời gian nhất định. Nên chăng có chính sách tuyển dụng trở lại số lao động này mà không cần phải qua kỳ sát hạch?”, ông Long, cán bộ chính sách thị xã Hưng Nguyên nêu quan điểm.
Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, anh Hoàng Văn Minh – một lao động từng có 5 năm làm việc ở Hàn Quốc cho rằng, làm hết hợp đồng thì khi trở về người lao động cũng đã tích lũy được một số vốn. Nhưng để khởi nghiệp thành công, không chỉ cần mỗi vốn. Bởi vậy, người lao động cần và mong muốn được hỗ trợ về quản lý, điều hành có thể phát triển các mô hình kinh tế hay doanh nghiệp quy mô nhỏ, phù hợp với nguồn vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật đã tích lũy được sau thời gian làm việc tại Hàn Quốc.
Vấn đề cốt lõi, theo anh Minh, là ngăn chặn tình trạng người lao động bỏ trốn khi hết thời hạn hợp đồng. Và việc này không thể trông chờ vào ý thức của người lao động và sự tác động từ gia đình họ mà cần giải pháp mạnh.
“Thời điểm tôi ở Hàn Quốc, trong công ty nhiều lao động từ các quốc gia khác, trong đó có lao động của Thái Lan. Trước khi sang Hàn Quốc, lao động Thái Lan thỏa thuận, ký kết với chính phủ trích một phần thu nhập như một dạng đảm bảo, lao động có thể đóng nhiều hơn nếu có nhu cầu. Khoản tiền này được tính lãi theo lãi suất tiền gửi. Sau 5 năm, nếu lao động về nước đúng thời hạn, sẽ nhận lại số tiền này, bao gồm cả tiền lãi.
Bạn người Thái Lan làm cùng công ty tôi ngoài khoản thu nhập hàng tháng, khi về nước được nhận tổng cộng gần 600 triệu đồng từ khoản “tiết kiệm đảm bảo” này. Tôi nghĩ, đây cũng là một giải pháp mà Việt Nam cần nghiên cứu để tăng tính ràng buộc, đảm bảo người lao động về nước đúng thời hạn”, anh Minh cho hay.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận