Mở rộng phạm vi bao phủ BHXH
Ngày 13/7 tại TPHCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo ở khu vực phía Nam để lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và những vấn đề lớn về dân số cần quan tâm.
Tại hội thảo, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nêu những vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm như chế độ BHXH đa tầng, quy định rút BHXH một lần…
Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc kiêm Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, BHXH tại Việt Nam đã và đang giúp bảo vệ người lao động (NLĐ) trước nhiều tình huống bất ngờ xảy đến trong cuộc sống như ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già và tử vong.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỷ lệ bao phủ BHXH hiện nay chỉ chiếm 37% lực lượng lao động, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Việt Nam đặt ra là đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm 60% vào năm 2030.
Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa khá nhanh, việc phát triển một hệ thống BHXH vững mạnh ngày càng cấp thiết nhằm đảm bảo an sinh với người dân, đặc biệt là những người cao tuổi.
Do đó, bà đánh giá cao những quy định mới nhằm mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống BHXH trong dự luật. Theo bà, những thay đổi quan trọng đó có thể mang tới những tác động mạnh mẽ và tích cực, mở rộng phạm vi bao phủ BHXH trong những năm tới.
Ông Carlos Andre da Silva Gama Nogueira, chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, việc mở rộng diện bao phủ hệ thống BHXH bắt buộc là vấn đề đầu tiên mà ILO khuyến nghị Việt Nam phải làm khi sửa luật.
Thấy quyền lợi trực tiếp, NLĐ sẽ không rút BHXH một lần
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia đều lo ngại tiến độ mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống BHXH có thể bị ảnh hưởng từ việc NLĐ rút BHXH một lần.
Theo ông Andre Gama, trên thế giới chỉ có Việt Nam và 1 nước khác cho phép rút BHXH một lần. Nhưng thay đổi ngay quy định này sẽ rất bất ổn, gây mất niềm tin cho NLĐ và có thể dẫn đến việc người dân ồ ạt đi rút BHXH một lần.
Do đó, chuyên gia của ILO khuyến nghị, cách tốt nhất để giữ chân NLĐ trong hệ thống BHXH là từng bước giảm nhu cầu rút BHXH một lần. Để thực hiện việc này, có thể giảm dần số tiền cho phép NLĐ rút một lần, tăng thời gian chờ đợi để được nhận tiền rút bảo hiểm…
Đồng thời, phải tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn cho NLĐ khi họ gặp khó khăn, mở rộng diện bao phủ và tăng hiệu quả của bảo hiểm thất nghiệp để họ đỡ gánh nặng tài chính khi mất việc, tăng cường việc làm bền vững cho NLĐ…
Tiến sĩ Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học lao động và xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng kiến nghị phải có quy định cho NLĐ khi gặp khó khăn được vay từ Quỹ BHXH bằng số tiền mà họ sẽ được nhận khi rút BHXH một lần. Khi NLĐ đi làm lại, họ sẽ trả số tiền này cộng với lãi suất và thời gian họ tham gia BHXH vẫn được bảo lưu.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam lo lắng, cho NLĐ vay với tỷ lệ 100% số tiền mà họ được nhận khi rút BHXH một lần là rất rủi ro, NLĐ vay rồi sẽ đi luôn, không trở lại hệ thống BHXH nữa. Do đó, ông đề nghị nghiên cứu số tiền vay có thể chỉ là 50%-70% mức trên.
Tham dự hội thảo, đại diện công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết doanh nghiệp luôn tuân thủ quy định đóng BHXH cho hơn 45.000 lao động người Việt và 500 lao động người nước ngoài. Số tiền đóng BHXH hàng tháng gần 140 tỷ đồng.
Do đó, phía doanh nghiệp rất vui khi thấy Luật BHXH sửa đổi có nhiều điều khoản tăng cường quyền lợi của người tham gia BHXH.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cũng nêu thực tế, khi người lao động gặp khó khăn, phải nghỉ việc thì hầu hết đã lớn tuổi, rất khó tham gia lại thị trường lao động để đóng BHXH, chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu.
Vị này cho biết: “Đợt nghỉ việc vừa rồi, có trường hợp người lao động đã đóng BHXH 25 năm nhưng thực tế mới 45 tuổi, phải chờ hơn 15 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu. Mà ở tuổi này, để tìm được công việc khác, tiếp tục tham gia BHXH cũng khó”.
Trong trường hợp này, NLĐ có thể tạm dừng và bảo lưu quá trình đóng BHXH chờ đến tuổi nghỉ hưu nhưng khi nhận lương hưu cũng thấp. Bà gợi ý, nên nghiên cứu tăng thêm các quyền lợi cho người lao động nghỉ việc để họ không rút BHXH một lần mà bảo lưu, ở lại hệ thống BHXH.
Bà nói: “Khi NLĐ nhìn thấy mình nhận được nhiều quyền lợi trực tiếp thì không cần cấm cản gì, người ta cũng tự nguyện ở lại”.
Bình luận