Người lao động nghỉ phép có phải báo trước?

Bộ luật Lao động năm 2019 không có quy định về thời gian báo trước khi xin nghỉ phép.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động lại có quy định rằng, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết.

Theo đó, người lao động sẽ có lịch nghỉ hằng năm cụ thể do người sử dụng lao động quyết định. Đến ngày nghỉ được ghi nhận trong lịch nghỉ hằng năm, người lao động được nghỉ phép mà không cần báo trước.

Trường hợp muốn nghỉ phép với thời gian linh hoạt hơn, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Để tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động trong việc bố trí đảm nhiệm công việc của người nghỉ, người lao động cần thông báo trước cho người sử dụng lao động. Thời gian báo trước bao lâu phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên mà không giới hạn số ngày báo trước.

Khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động ghi nhận người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Theo đó pháp luật không giới hạn số ngày nghỉ của mỗi lần nghỉ phép. Tuy nhiên, tổng thời gian nghỉ phép của các lần trong năm không được vượt quá số ngày phép quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động.

Cụ thể, người lao động làm việc đủ 12 tháng được nghỉ 12 ngày làm việc/năm nếu người lao động làm công việc trong điều kiện bình thường. Lao động được nghỉ 14 ngày làm việc/năm nếu người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cũng được nghỉ 16 ngày làm việc/năm nếu người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra, người lao động thâm niên còn được nghỉ phép dài hơn bởi cứ làm đủ 5 năm thì người lao động sẽ được cộng thêm tương ứng 1 ngày phép.

Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì được nghỉ số ngày nghỉ phép theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thực hiện các quy định về nghỉ phép năm tại Bộ luật Lao động, cho người lao động nghỉ phép theo đúng thời gian quy định.

Trường hợp không cho nhân viên nghỉ phép năm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng về lỗi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, Tết theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Đối với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt còn tăng gấp đôi từ 20 đến 40 triệu đồng theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Bình luận