Ngày 5/10, thông tin về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy 9 tháng qua, số lao động đưa đi đã đạt 101,37% kế hoạch năm 2023.
Trong tháng 9/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.273 lao động, trong đó có 5.042 lao động nữ.
Số lao động đưa đi cao nhất là sang Nhật Bản, với 8.475 lao động (3.831 lao động nữ), tiếp sau là Đài Loan 4.512 lao động (1.391 lao động nữ), Hàn Quốc 505 lao động (47 lao động nữ), Trung Quốc 198 lao động nam, Hungari 146 lao động (90 lao động nữ), Singapore 51 lao động nam, Malaysia 34 lao động (10 lao động nữ) và các thị trường khác.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (trong đó có 38.816 lao động nữ) đạt 101,37% kế hoạch. Cụ thể, năm 2023, kế hoạch đề ra của ngành là đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Kết quả đạt được bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động).
Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, với 55.690 lao động (23.758 lao động nữ).
Những năm gần đây, Nhật Bản luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất, do có điều kiện làm việc, thu nhập hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam.
Trong tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước và tỉnh Wakayama (Nhật Bản) cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung pháp lý cơ bản về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này.
Ngoài Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng là những thị trường truyền thống có nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam. 9 tháng qua, Đài Loan tiếp nhận 46.166 lao động (13.733 lao động nữ), Hàn Quốc 2.449 lao động (100 lao động nữ).
Các thị trường còn lại như Trung Quốc 1.361 người, Hungari 1.148 lao động (551 lao động nữ), Singapore 1015 lao động nam, Romani 705 lao động (84 lao động nữ) và các thị trường khác.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cùng với việc mở rộng thị trường, việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng phải chủ động hơn trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đó, cần tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm sao có nguồn lao động, đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của các đối tác nước ngoài.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận