Lương công chức thua công nhân
Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 30/10, các đại biểu tán thành và đánh giá cao đối với Báo cáo giám sát kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho hay, hiện nay tất cả các chính sách của Đảng, Nhà nước đều được triển khai ở cơ sở để đến được với người dân. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là đầu mối để triển khai thực hiện, hướng dẫn nhân dân thu thập thông tin, tổng hợp và báo cáo tiến độ, hiệu quả của các chính sách nói chung và các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn nói riêng.
Theo nữ đại biểu, đây cũng là đội ngũ gần dân, sát dân, hiểu dân và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, bà Huế nêu rõ, thời gian gần đây có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho hay, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do áp lực công việc của cán bộ, công chức cấp xã rất lớn, số lượng người ít, nhiều nhiệm vụ phải triển khai thực hiện, trong đó có rất nhiều việc mới, việc khó.
Ngược lại, tiền lương của nhóm này rất thấp, ngoài lương chính và phụ cấp khu vực vùng sâu, vùng xa thì hầu như không có khoản thu nhập khác.
“Thực tế thu nhập của mỗi cán bộ công chức cơ sở chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, trong khi đó lương công nhân 10 triệu đồng, người đi xuất khẩu lao động 20-30 triệu đồng”, bà Huế so sánh.
Bên cạnh đó, đại biểu phân tích, với địa bàn miền núi, địa hình chia cắt, đường sá chưa thuận lợi, nhiều nơi chưa có điện, sóng điện thoại… cán bộ hầu hết phải đến trực tiếp với người dân, phát sinh chi phí đi lại.
Nhiều cán bộ công chức cấp xã không có ngày nghỉ, chi phí sinh hoạt tăng cao nên không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nữ đại biểu cho hay, nếu không khắc phục được tình trạng này, để xảy ra tình trạng công chức nghỉ việc, rời bỏ hệ thống thì lãng phí nguồn nhân lực đã đào tạo, có kinh nghiệm, hiểu dân.
Đại biểu kiến nghị cần quan tâm đảm bảo tiền lương thỏa đáng, cải thiện đời sống cho cán bộ công chức cấp xã yên tâm công tác.
Đề nghị bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện
Góp ý về bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho hay, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương đã phát huy hiệu quả bước đầu trong hoạt động điều hành, điều phối, đảm bảo các chương trình được triển khai thống nhất, đồng bộ.
Tuy nhiên, đại biểu nhận định, bộ máy cơ quan tham mưu chủ trì tổ chức thực hiện chương trình chưa đồng bộ tại các cấp. Nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện công tác dân tộc cấp huyện, phòng chuyên trách, phòng Dân tộc.
Bên cạnh đó, biên chế làm công tác dân tộc phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, thường xuyên thay đổi vị trí công tác, dẫn đến bất cập, khó khăn trong công việc tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp…
Do đó, đại biểu Tráng A Dương đề nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo thống nhất bộ máy tổ chức, quản lý chương trình từ Trung ương đến địa phương đảm bảo vận hành hiệu quả, nhất là việc bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đối với cấp xã – cấp trực tiếp triển khai chương trình, đưa chương trình tới người dân.
Đồng thời đề nghị lập và giao kế hoạch danh mục đầu tư công giai đoạn hàng năm. Đại biểu cũng kiến nghị cho phép địa phương phân bổ, giao dự kiến tổng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa bắt buộc giao tên danh mục, quy mô dự án cụ thể.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận