Cụ thể, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được xác định là người làm việc bằng hình thức hợp đồng từ 1 tháng trở lên kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2016, số người tham gia BHXH là 13,05 triệu người (chiếm 23,8% lực lượng lao động). 6 năm sau, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng 34,02% (tương đương 17,49 triệu người). Tính chung giai đoạn 2016-2022, tốc độ tăng trưởng bình quân số người tham gia BHXH là 5%/năm.
Song cơ quan chủ trì soạn thảo luật chỉ rõ, qua tổng kết thấy được pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động có chế độ làm việc linh hoạt.
Theo thống kê, hiện nay có 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhóm này chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể thể hiện đang tham gia BHXH tự nguyện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính năm 2022, cả nước có khoảng 29.000 hợp tác xã hoạt động, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia, trong đó có 970.000 người lao động làm việc trong khu vực hợp tác xã. Song hiện nay mới chỉ có 7.000 hợp tác xã đăng kí tham gia BHXH bắt buộc cho khoảng 40.000 người lao động.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng thể hiện, thực tế, nhiều người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương có nguyện vọng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đối tượng tham gia được mở rộng sẽ giúp tăng nguồn thu vào quỹ bảo hiểm xã hội nhưng cũng sẽ làm tăng nguồn chi từ quỹ bảo hiểm xã hội trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Bình luận