Lao động mất việc, thu nhập giảm ngóng “cứu trợ” từ quê nhà

Tình trạng lao động mất việc đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đến giờ chị Nguyễn Thị Thủy vẫn chưa quen được những ngày rảnh rỗi ngồi nhặt rau, chuẩn bị bữa cơm tối ngay từ đầu giờ chiều, sau 10 năm đã quen cảnh tối ngày miệt mài ở nhà máy. Đã 10 năm hai vợ chồng chị rời quê lên Hà Nội, làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long.

“Chắc có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất của chúng tôi. Đi làm cầm chừng, dù vẫn có ca ngày, ca đêm song mỗi người chỉ được làm đủ 8 tiếng mỗi ngày”, chị Thủy chia sẻ.

Lao động mất việc, thu nhập giảm ngóng cứu trợ từ quê nhà - 1
Thu nhập giảm sút, chị Thủy thường xuyên nhờ gia đình, người thân gửi thực phẩm chu cấp từ quê (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Giờ này năm trước đang đợt ảnh hưởng của dịch Covid-19 song chị Thủy vẫn rất đều việc, thậm chí có lúc làm tăng ca cũng không hết việc. Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, công ty bị giảm đơn hàng rõ rệt và những công nhân như chị bị ảnh hưởng trực tiếp.

Không được tăng ca, mỗi tháng chị Thủy chỉ nhận về gần 7 triệu đồng. Chồng chị làm cho một công ty thực phẩm trong khu công nghiệp, thu nhập còn thấp hơn.

Trong khi đó mỗi tháng chị vẫn đều đặn trả 1,5 triệu đồng tiền thuê trọ, ăn uống và mấy triệu đồng nuôi con ăn học tại thủ đô. “Trước đây công việc đều đặn, khéo léo thu xếp thì cũng vẫn có đồng tiêu đồng dư, mấy tháng nay lương được bao nhiêu hết sạch bằng ấy”, chị Thủy so sánh.

Số tiền gửi về quê để ông bà nuôi con ngày càng teo tóp, gần đây chị còn thường xuyên nhận “trợ cấp” thực phẩm ở quê, lúc thì con gà, bó rau, khi thì cân thịt, yến gạo…

Chị Thủy là một trong gần 294 nghìn người lao động mất việc, giãn việc do tình trạng cắt giảm đơn hàng hiện nay. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, hệ quả nhiều lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm.

Số lao động nghỉ giãn việc tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu ở một số ngành như da giày, dệt may. Những doanh nghiệp này tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long…

Lao động mất việc, thu nhập giảm ngóng cứu trợ từ quê nhà - 2

3 tháng đầu năm, số lao động mất việc làm là 149 nghìn lao động, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng gần 21,7 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 7,7 nghìn người)…

Tránh nguy cơ đứt gãy cung ứng lao động

Tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng tăng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I năm 2023 đạt 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9% và lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người.

Số lao động có việc làm phi chính thức là 33 triệu người, giảm 327,1 nghìn người so với quý trước và giảm 322,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn diễn ra trên thị trường lao động. Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh/thành phố thì nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và Quý I/2023  khoảng 377,7 nghìn người.

Lao động mất việc, thu nhập giảm ngóng cứu trợ từ quê nhà - 3
Tăng cường kết nối việc làm cho người lao động (Ảnh: Thanh Bình).

Số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu ở các lĩnh vực như sản xuất dệt may – da giày; sản xuất, sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp, điện, điện tử; ngoài ra còn có các ngành công nghiệp khác chiếm xu thế tuyển dụng như sản xuất, chế biến thực phẩm – đồ uống; sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, hóa chất, nhựa…

Trước tình hình lao động bị giảm giờ làm và mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo việc làm, kết nối cung – cầu lao động giúp người lao động ổn định cuộc sống và quay trở lại thị trường lao động.

Bộ cũng thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường lao động để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động để kịp thời hỗ trợ việc làm cho người lao động, kết nối cung cầu lao động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Nguồn: Dân Trí.

Bình luận