Phiên 4 trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 17/12 có nội dung “Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023” mới mục tiêu phát triển thị trường lao động bền vững.
Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, lao động – việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân. Vì vậy, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng, việc tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với 4 hội thảo chuyên đề, trong đó có chuyên đề về phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế – xã hội là một chủ đề quan trọng và thực sự cần thiết.
Thị trường lao động phục hồi
Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho biết, trong đại dịch Covid-19, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề. Có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, có hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực như bị mất việc làm; phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập… Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã dần phục hồi trong năm 2022, cụ thể so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, lực lượng lao động tăng nhanh. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2022 đạt 51,6 triệu người (tăng 1,2 triệu người). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 9 tháng năm 2022 là 68,5% (tăng 0,9%).
Bên cạnh đó, số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người (tăng 1,5 triệu người).
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành trở lại chiều hướng tích cực. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,9 triệu người, chiếm 27,6%, giảm (giảm 162.200 người); khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,9 triệu người, chiếm 33,4% (tăng 726.800 người); khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số có việc làm với tỷ trọng 39,0%, tương ứng là 19,7 triệu người (tăng 895.600 người).
Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động được cải thiện. Thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng (tăng 12,4%, tương ứng tăng 727.000 đồng).
Ngoài ra, số lượng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35% (giảm 0,64%); tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2022 là 2,29% (giảm 0,77%); tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,75% và 2,63%).
Theo Thứ trưởng, dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế. Chẳng hạn như chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Bên cạnh đó, cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động.
Ngoài ra, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế… Phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối…
Phát triển bền vững thị trường lao động
Theo đó, trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những cơ hội đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức.
Thứ nhất, trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau nên việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, trong khi lạm phát ở các nước đang đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina cũng là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo.
Thứ ba, nền kinh tế suy thoái nói chung trong bối cảnh lãi suất cao cũng khiến nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu của năm 2023 sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng của các doanh nghiệp.
Để khắc phục cũng như lường trước được những khó khăn sắp tới, chúng ta cần có những giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề đang đặt ra ở cả lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Về các giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết đang phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế – xã hội. Theo đó các nhiệm vụ, giải pháp sẽ tập trung vào một số vấn đề.
Đầu tiên là hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai là phục hồi và ổn định thị trường lao động với hàng loạt giải pháp như: bám sát thực tiễn, quản trị nguồn nhân lực chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trường lao động với các thị trường khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung – cầu lao động; khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực.
Liên quan tới phục hồi và ổn định thị trường lao động, giải pháp còn là tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung – cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.
Bên cạnh đó là tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các cơ sở đào tạo; thiết lập mạng lưới thông tin của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về để thu hút vào làm việc cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Cuối cùng là thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động. Các giải pháp cụ thể có: tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững như: đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững; đầu tư nguồn lực cho các chương trình, dự án tạo nhiều việc làm bền vững; đa dạng hóa các nguồn tín dụng để tạo việc làm mới, chất lượng, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra là nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, khó khăn; hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo,… để họ tham gia vào thị trường lao động, có việc làm bền vững; xây dựng bản đồ công nghiệp của Việt Nam để làm cơ sở xây dựng phương án cung ứng lao động, phân bổ và sử dụng lao động trên toàn quốc.
Bên cạnh đó là khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức.
Việc đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung – cầu lao động, công tác dự báo cung – cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội cũng sẽ được triển khai…
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay, trong khuôn khổ hội thảo này, đề nghị các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia cùng tập trung thảo luận, phân tích về các nội dung dưới đây.
Đầu tiên là đánh giá, làm rõ thực trạng về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi đối với người lao động; kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian qua.
Tiếp đến là nhận diện rõ những rủi ro và thách thức đối với thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới.
Cuối cùng là trao đổi các mô hình, cách làm hay; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới…
Bình luận