Tổng Bí thư: “Quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của người lao động”

Công nhân lao động, công đoàn và sứ mệnh lịch sử

Phát biểu tại phiên khai mạc trọng thể của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sáng 2/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, hôm nay, giữa lòng thủ đô Hà Nội, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, hào hoa và thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Công đoàn Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Đây là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và người lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Tổng Bí thư: Quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của người lao động - 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.

Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tổng Bí thư nêu rõ, nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, hoạt động của tổ chức công đoàn và đoàn viên, người lao động diễn ra trong bối cảnh đặc biệt.

Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Công đoàn có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động của công đoàn.

Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của người lao động diễn ra trên diện rộng, số người lao động phải rời các doanh nghiệp về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh.

Tổng Bí thư: Quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của người lao động - 2

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, quán triệt các Nghị quyết Đại hội của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã vượt qua mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện có trọng tâm trọng điểm các lĩnh vực công tác, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra.

“Những thành tựu đó không chỉ là kết quả của nỗ lực phấn đấu của một số người mà là của toàn bộ cán bộ, công nhân lao động, của tổ chức công đoàn, là minh chứng khẳng định vai trò vị trí to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả, thành tích đã đạt được, Tổng Bí thư thẳng thắn nêu, hoạt động công đoàn và phong trào công nhân vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục, trong đó có cả những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong nhiệm kỳ này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: “Đại hội cần quan tâm thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân tồn tại, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục cho bằng được trong nhiệm kỳ này”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước ta đến năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập bình quân cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, Tổng Bí thư nêu rõ, hơn lúc nào hết, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình để chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, toàn diện, xứng đáng là một tổ chức đại diện lớn nhất, là trung tâm tập hợp, đoàn kết công nhân và người lao động cả nước, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Những chăm lo cụ thể, thiết thực

Tại đại hội, Tổng Bí thư cũng gợi mở 5 vấn đề để Công đoàn Việt Nam quan tâm.

Một là, trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội, hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước quản lý, vừa là tổ chức chính trị xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động của công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng.

Tổng Bí thư: Quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của người lao động - 3
Tổng Bí thư nhấn mạnh tổ chức công đoàn phải là hạt nhân tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân (Ảnh: Nguyễn Hải).

“Làm sao để tổ chức công đoàn các cấp thật sự là hạt nhân tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Hai là, tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác độ giai cấp, lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam của chúng ta ngày càng lớn mạnh và hiện đại.

Ba là, đề nghị các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng và người lao động.

Tổng bí thư đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn, chứ không phải đi bước một, làm phải có chiến lược.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Việc chăm lo của công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từ bữa ăn, giấc ngủ, hiểu rõ niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên của người lao động và gia đình của họ”.

Bốn là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Năm là, với vị thế là một tổ chức chính trị – xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ, hơn ai hết công đoàn phải phát huy vai trò, làm tốt hơn nữa chức năng tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; coi đây là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động và tổ chức Công đoàn.

Nguồn: Dân Trí.

Bình luận