Nội dung được ông Gilbert F. Houngbo, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chia sẻ với phóng viên Dân trí nhân chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam.
ILO là tổ chức chuyên môn của Liên Hợp quốc với mục tiêu cải thiện điều kiện lao động và nâng cao mức sống trên toàn thế giới.
Năm 1992, Việt Nam gia nhập tổ chức này. Từ đó, Việt Nam là một thành viên hoạt động tích cực và có trách nhiệm của ILO. Các cam kết giữa Việt Nam và ILO về cơ bản đều được hiện thực hóa và đưa vào pháp luật của nước ta.
Chú trọng yếu tố con người
Là một người bạn lâu năm của Việt Nam, ông có suy nghĩ gì khi lần đầu tiên sang thăm đất nước này?
– Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam trên cương vị Tổng Giám đốc ILO. Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam là một trong những văn phòng lớn nhất của chúng tôi trên thế giới, với hơn 100 nhân sự.
Vì vậy, chuyến công du này chúng tôi muốn nắm bắt tình hình ở các khu vực có văn phòng ILO. Bên cạnh đó, mở rộng các lĩnh vực hợp tác, tận dụng quan hệ đối tác đã có. Đặc biệt, trong chuyến thăm này, chúng tôi đã đến nhà máy may mặc ở Hưng Yên – nơi đang triển khai chương trình Việc làm tốt hơn.
Chương trình được triển khai từ năm 2009 với mục tiêu cải thiện tiêu chuẩn lao động dựa trên Luật Lao động và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Đến nay, đây là chương trình triển khai hiệu quả nhất của ILO tại Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực cải cách chính sách, luật pháp bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người lao động. Ông đánh giá thế nào về sự nỗ lực của Việt Nam?
– Tôi luôn đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam. Đây là điều hoàn toàn có thể khẳng định được từ khi ILO tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ở Việt Nam xây dựng Bộ Luật lao động đầu tiên vào năm 1994.
Chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng đến yếu tố người lao động trong công cuộc phát triển kinh tế với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Bất kỳ một xã hội nào cũng phải đối mặt với thách thức như lạm phát hay bất bình đẳng và Việt Nam đang đi đúng hướng.
Thưa ông, tại sao tăng cường tuân thủ luật lao động quốc tế lại quan trọng đối với các nước thành viên, trong đó có Việt Nam?
– ILO có gần 200 công ước đã được xây dựng từ hơn 100 năm qua. Chúng ta có xu hướng quên ngay số giờ làm việc hàng tuần hoặc sự phân chia do Công ước ILO thiết lập. Chúng ta cũng có Công ước của ILO về lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức bắt buộc. Bây giờ, chúng tôi sẽ làm việc về những quy ước mớitừ nay đến năm 2025 – 2026.
Thế giới cần quan tâm nhiều hơn đến các hình thái xã hội, nơi chúng ta cần có sự cân bằng tốt hơn. Nền kinh tế tạo ra của cải và cái giá phải trả là khía cạnh xã hội.
Đóng góp của ILO là thông qua việc thiết lập quyền lao động theo cách có lợi cho việc tăng năng suất, đồng thời tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Thị trường lao động Việt Nam đang được cải thiện
Sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ILO có dự đoán nào về sự phục hồi của lực lượng lao động toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng? Theo ông, đâu là những thách thức chính đối với Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm trong những năm tới?
– Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy thị trường lao động toàn cầu đang chuyển mình. Song, chúng tôi dự đoán thị trường lao động năm 2023 sẽ phục hồi cầm chừng. Như chúng ta đã thấy, các nền kinh tế mới nổi vẫn đang vật lộn để phục hồi kinh tế như trước dịch Covid-19. Thị trường lao động có xu hướng gia tăng khu vực phi chính thức, nền kinh tế phi chính thức.
Vì vậy, trong giai đoạn hậu dịch Covid-19, chúng tôi cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo quyền lợi cho những lao động trong khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi để họ chuyển sang khu vực chính thức. Đây là lý do chúng tôi đang thúc đẩy thêm các chương trình bảo trợ xã hội và tạo môi trường thuận lợi cho việc chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức.
Thị trường lao động Việt Nam đang được cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng rằng không chỉ Việt Nam mà các nước ASEAN đang đi đúng hướng.
Từ các cuộc gặp gỡ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc hội và Chính phủ, tất cả đều đang hỗ trợ và cải tiến để Chính phủ theo kịp xu thế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.
Công bằng xã hội là một trong những phương châm hoạt động của ILO. Vậy Việt Nam cần làm gì để đảm bảo được công bằng xã hội?
– Công bằng xã hội là nền tảng cho thế giới hòa bình, trong đó yếu tố chính là bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có 4 tỷ người chưa được hưởng bất kỳ bảo trợ xã hội nào.
Ở Việt Nam tôi thấy có một sự kiên cường được hun đúc từ những cuộc chiến tranh và nay là một quốc gia có thu nhập trung bình, hướng tới là đất nước có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam vẫn đang phát triển, với nền kinh tế định hướng thị trường rất năng động. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vào việc đảm bảo rằng của cải được tạo ra từ nỗ lực của tất cả người dân, phải được chia đều cho tất cả các thành phần trong xã hội.
Lao động giá rẻ có còn là lợi thế?
Ngoài tác động của đại dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số cũng đặt ra một số thách thức. Vậy làm thế nào để tận dụng được những cơ hội và hạn chế các tác động tiêu cực đến người lao động thưa ông?
– Tôi lấy ví dụ về trí tuệ nhân tạo. Nhiều cảnh báo nói rằng trí tuệ nhân tạo sẽ cướp đi công việc của nhiều người. Nhưng chúng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới, việc làm mới.
Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải đảm bảo những người lao động làm việc trong các lĩnh vực có thể biến mất được nâng cao được kỹ năng, đón nhận xu thế mới, loại hình công việc mới. Muốn như vậy cần vai trò của giáo dục kỹ năng, nghề nghiệp. Việc học là rất quan trọng và là việc cả đời.
Chính phủ có thể khuyến khích các chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mới, tạo ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải chung tay với Chính phủ để thực hiện điều này.
Nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam vì giá nhân công rẻ, nhưng hướng đến lực lượng lao động trong nước có tay nghề cao hơn. Liệu Việt Nam có còn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư?
– Tôi nghĩ mọi quốc gia đều có nhu cầu điều chỉnh chiến lược của mình khi phát triển, trong đó có Việt Nam. Hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đã nhận thấy xu hướng tích cực thông qua chuỗi cung ứng và dịch vụ thuê ngoài từ châu Âu, Bắc Mỹ và Hàn Quốc.
Bằng cách phát triển lực lượng lao động tốt hơn, lợi thế của Việt Nam rõ rệt hơn.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận