Ngày 20/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam chủ trì Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng – Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng”.

Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu tham gia trực tiếp và 300 đại biểu tham gia trực tuyến đến từ các cơ quan hữu quan như: Quốc Hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu Việc làm Đức, Viện Tương lai Bền vững – Đại học Công nghệ Sydney và các đại diện khu vực tư nhân.

Hội thảo đã phân tích và đánh giá tiềm năng mà chuyển dịch năng lượng mang lại cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam, trong đó chuyển dịch năng lượng được nhấn mạnh cần phải xem xét đến các khía cạnh xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và bản sắc để đảm bảo chuyển dịch công bằng, không bỏ lại ai phía sau.

Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường thị trường lao động Việt Nam - 1
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu phân tích và đánh giá tiềm năng mà Chuyển dịch năng lượng mang tới cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam (Ảnh: CTV).

TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, tại Đức, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7% từ năm 2012 đến năm 2020. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp và đòi hỏi khắt khe nhưng cũng có cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế.

Trong lĩnh vực tạo việc làm xanh, phía Đức đã nâng cao quá trình chuyển dịch việc làm cùng các đối tác Việt Nam như kỹ thuật điện, điện tử…, đào tạo kỹ năng cho học viên trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên được hưởng lợi tại 11 trường nghề, trong đó 79% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

“Rõ ràng, quản lý chuyển dịch năng lượng công bằng là vấn đề phức tạp nhưng với nhu cầu lao động cao, Việt Nam sẽ cần các quyết định mang tính lâu dài từ phía nhà nước, sự thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong khu vực công và tư nhân, huy động nguồn đầu tư công – tư, đặc biệt trong hiện đại hóa lưới điện cũng như tăng hơn nữa sản xuất điện năng lượng tái tạo”, Đại sứ Guido Hildner cho hay.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định: “Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế cam kết phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng”.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, trên phạm vi toàn cầu, các nước phát triển và đang phát triển đều đang cam kết và có xu hướng chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch, hữu hạn (than, dầu, khí, uranium) sang năng lượng tái tạo, vô hạn (ánh sáng mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt).

Đối với các nước đang phát triển, quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải công bằng và dựa trên sự bình đẳng để họ có thể chuyển đổi bền vững sang nền kinh tế các-bon thấp và thiết lập quỹ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, thời gian gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới tại Việt Nam. Do đó, năng lực đào tạo tại các cơ sở đào tạo cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra việc làm và đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường thị trường lao động Việt Nam - 2
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo (Ảnh: CTV).

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, về phía Bộ LĐTBXH, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, thời gian vừa qua, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình, đề án, chính sách về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, ban hành chính sách hỗ trợ người lao động người lao tham gia đào tạo, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; chính sách phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững. Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn chủ động đưa các nội dung về năng lượng xanh khi xây dựng và ban hành khoảng 300 bộ quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp ở trình độ cao đẳng và trung cấp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích hợp khi xây dựng ban hành chương trình đào tạo.

Bộ LĐTBXH cũng đã tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế như: hợp tác với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) nhằm thúc đẩy, thực thi những nguyên tắc cơ bản của ILO và quyền cơ bản tại nơi làm việc để đảm bảo toàn xã hội có thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh, quá trình phòng chống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, già hóa dân số và tác động của công nghệ; tăng cường hợp tác với CHLB Đức về phát triển giáo dục nghề nghiệp với mô hình đào tạo nghề kép, phát triển năng lượng tái tạo, tư vấn hỗ trợ xây dựng chính sách về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và bao trùm.

Bình luận