Thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu
Tại Hội nghị công bố báo cáo thực hiện hoạt động khảo sát, đánh giá về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động năm 2023, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đơn vị đã thực hiện khảo sát ý kiến gần 3.000 công nhân ở 6 tỉnh, thành phố.
Những doanh nghiệp được khảo sát đã giảm quy mô lao động 10% so với năm 2022.
Khảo sát cho thấy có 52,3% người lao động làm thêm giờ, trung bình 1,75 giờ/ngày. Phần lớn người lao động được khảo sát tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bà Lan cho biết, năm 2024, tình trạng thiếu hụt đơn hàng được dự báo vẫn còn tiếp diễn, khi có 17,2% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình hình thiếu đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tăng lên so với năm 2023.
Tiền lương cơ bản bao gồm làm đủ giờ ngày công là hơn 6 triệu đồng/tháng, cao hơn 8,4% so với khảo sát tháng 3/2022, cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 37,5% đến 51,9% tùy theo từng vùng.
Chi tiêu năm 2023 tăng 19% so với năm 2022, với tổng chi tiêu là gần 12 triệu đồng/tháng. Trong đó, họ chi tiêu nhiều hơn cho lương thực thực phẩm, chiếm gần 70%.
Qua khảo sát, hơn 24% người lao động vừa đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản, có đến 75,5% người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu.
Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thông tin, hơn 53% vì tiền lương cân nhắc đến việc lập gia đình, không sinh con, tiền lương không đủ lo cho con ở thành phố nên phải gửi về quê.
Về nhà ở, hơn 23% tiền lương để trả tiền thuê nhà, trung bình 1,8 triệu đồng/tháng bao gồm cả điện nước.
Bên cạnh đó, trong số 157 doanh nghiệp tham gia khảo sát hầu hết đều xây dựng thang bảng lương, mức thấp nhất bằng với lương tối thiểu vùng.
Có 23,4% doanh nghiệp khi xác định mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp đã cắt bỏ 2 khoản phụ cấp độc hại và phụ cấp đào tạo. Phần lớn doanh nghiệp điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo nghị định của Chính phủ, song vẫn còn 10,1% được điều chỉnh thấp hơn 6%.
Không tăng… không được
Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam cho biết, cán bộ công đoàn mong muốn người lao động có việc làm, tăng thu nhập.
Song, doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm hơn 20%, tương đương gần 4 tỷ USD. Số công nhân mất việc lên đến hơn 600.000 người.
Thực tế cho thấy có sự dịch chuyển đơn hàng sang nước khác và cạnh tranh về giá gay gắt. 6 tháng đầu năm, đơn giá gia công giảm hơn 30%.
Ông Dương đánh giá điều này liên quan tiền lương của người lao động và tiền lương tối thiểu sắp được đàm phán tới đây.
“Đối với các ngành không tính lương theo sản phẩm, khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ đưa cơ cấu tiền lương mới vào giá thành sản phẩm. Từ đó, quỹ tiền lương tăng lên, và về cơ bản người lao động sẽ được hưởng trong lần tăng lương này”, ông Dương phân tích.
Song, với đơn vị tính lương theo sản phẩm, cơ cấu tiền lương theo đơn giá gia công hầu hết chiếm 60%. Khi giá gia công giảm và năng suất lao động công nghiệp không tăng, mà điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng sẽ không tác động đến thu nhập thực tế của người lao động.
Phó Chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam cho rằng, điều chỉnh lương này chủ yếu tăng lên phần tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Khoản này tăng lên, thì doanh nghiệp phải tính toán nên có khi thu nhập của người lao động giảm đi.
Trong phiên đàm phán lương tối thiểu vùng tới đây, ông Dương cho biết cần cân nhắc, so sánh những yếu tố tác động tiêu cực của việc tăng lương như giá cả thị trường. “Lương chưa thấy đâu, nhưng giá cả tăng lên rõ ràng ảnh hưởng cuộc sống của người lao động”, Phó Chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam cho hay.
Trước thềm phiên đàm phán tiền lương tới đây, vị này cho rằng cần tính toán lương tối thiểu tăng bù trượt giá. “Không tăng cũng không được”, ông Dương khẳng định.
Vị này phân tích, tăng lương tối thiểu vùng với đối tượng không đảm bảo lương tối thiểu vùng thì có ý nghĩa. Một số doanh nghiệp có người lao động không đảm bảo mức lương bằng lương tối thiểu vùng đã phải bù lương từ những người cao hơn.
Tuy nhiên, với người lương cao hơn, như mức lương bình quân trong ngành dệt may 6 tháng đầu năm là 8,8 triệu đồng/người, khi tăng lương thu nhập thực tế không tăng.
Tuy nhiên, đảm bảo quyền lợi cho nhóm lao động khi được hưởng chế độ chính sách, ông Dương cũng vẫn đề nghị có mức tăng hợp lý, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận