4 chữ “Thực” để sinh viên ra trường có thể đi làm ngay
Cuối tháng 11, sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng tại TPHCM có chuyến tham quan thực tế dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại tại một nhà máy để sản xuất ra những tấm thạch cao hiện ứng dụng rất nhiều trong các công trình xây dựng.
Trong quá trình trải nghiệm, chuyên gia của Knauf đã chia sẻ với sinh viên về các kỹ năng, vị trí công việc và mô hình tổ chức tại công ty. Các chuyên gia cũng tư vấn người học về quá trình và kinh nghiệm làm việc tại các vị trí, tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp.
Phó trưởng phòng tuyển sinh – công tác sinh viên Cao đẳng Xây dựng TPHCM Đào Viết Quốc đánh giá, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp là nền móng phát triển cho sinh viên của trường.
Không chỉ trải nghiệm, sinh viên còn được thực tập tay nghề trực tiếp với dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ.
Trong quá trình thực tập, sinh viên cũng được cung cấp những kiến thức nền tảng về sản phẩm, giải pháp và ứng dụng của từng giải pháp vào các không gian và công trình khác nhau.
Qua đó, sinh viên sẽ từng bước hoàn thiện kỹ năng, hiểu được quy trình thi công, nhận biết và tránh những sai phạm thường gặp, đảm bảo an toàn và tính thẩm mỹ cho công trình.
Với định hướng “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp” hiện nay, hoạt động thực tập, làm việc thực tế tại doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo nghề. Làm việc thực tế được cho là biện pháp thiết thực nhất để sinh viên ra trường đạt yêu cầu của doanh nghiệp.
Nỗ lực kết nối với doanh nghiệp
Mô hình đào tạo kép, dạy nghề ngay tại doanh nghiệp hiện được rất nhiều trường nghề áp dụng. Mô hình này không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu để trường nghề tồn tại và phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, cho biết: “Chìa khóa thành công trong việc tuyển sinh 2 ngành quản trị khách sạn và hướng dẫn du lịch của trường những năm qua nhờ vào việc thực hiện tốt mô hình đào tạo kép, 40% thời lượng học lý thuyết, 60% là thực hành”.
Chính vì vậy, các trường nghề hiện đều nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp, tận dụng hệ thống nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch để đưa sinh viên đến thực hành, học nghề bằng việc làm nghề.
Thực tế, Cao đẳng Kinh tế TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số khách sạn, làng du lịch để có những khóa bồi dưỡng chuyên môn, cho sinh viên đến học thực hành. Được làm nghề tại các cơ sở dịch vụ lớn, sinh viên sẽ có kiến thức thực hành vững vàng, được cọ xát với thực tế nghề nghiệp và có nhiều cơ hội việc làm.
Tương tự, lãnh đạo Trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức cho biết từng làm việc với các đối tác Nhật về việc hợp tác, cho sinh viên đến thực tập tại hệ thống nhà hàng Nhật.
Mục tiêu của trường là đưa sinh viên ngành nhà hàng và tiếng Nhật đến các nhà hàng quốc tế này học kỹ năng nghề nhà hàng và nâng cao năng lực tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản…
“Bằng cử nhân, kỹ sư ngày nay không còn là chìa khóa vạn năng cho người trẻ mở cánh cửa vào đời nữa. Để thành công trong sự nghiệp thì ngoài bằng cấp, người lao động phải hội tụ đủ kiến thức thực tiễn và khẳng định được chuyên môn nghề nghiệp của mình.
Muốn vậy, không gì tốt hơn là đưa sinh viên đến doanh nghiệp học việc ngay trong thời gian đào tạo. Trường nào làm tốt công tác kết nối với doanh nghiệp, kết hợp xây dựng những chương trình đào tạo kép hiệu quả sẽ có cơ hội phát triển trong giai đoạn doanh nghiệp yêu cầu nhiều nhân lực chất lượng cao hiện nay”, cán bộ quản lý tại Cao đẳng Xây dựng TPHCM nói.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận