Sau Tết, doanh nghiệp ở ĐBSCL chỗ thừa, chỗ thiếu hàng nghìn lao động. Theo Sở LĐ-TBXH Đồng Tháp, sau Tết lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp khá ổn định, đạt từ 95% so với tổng số lao động trước kỳ nghỉ Tết. Cụ thể, thống kê từ 91 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/1 có hơn 44.478/47.406 lao động trở lại làm việc, đạt 94% so với trước Tết Nguyên đán.
Số lao động chưa quay trở lại làm việc chủ yếu thuộc các doanh dệt may, da giày. Nguyên nhân, do các doanh nghiệp này tạm cắt giảm lao động do ảnh hưởng thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu.
Ông Phạm Việt Công – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp, cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn lao động đang tìm việc, tuy nhiên, cũng tại Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 110 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 7.000 lao động. Trong đó, có 23 doanh nghiệp ở lĩnh vực chế biến thủy sản, lương thực đang cần ngay 4.000 lao động.
Còn tại An Giang, đối với lao động người An Giang nhưng đang làm việc tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM,… Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ động cùng với các địa phương nắm tình hình lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương vào cuối năm (trước Tết Nguyên đán), qua đó, số lao động bị ảnh hưởng về việc làm khoảng 5.900 người.
Qua khảo sát, nắm thông tin từ người lao động về, trong thời gian tới có khoảng 27% sẽ ở lại địa phương học nghề và tìm kiếm việc làm; còn 54,3% sẽ tiếp tục quay trở lại các doanh nghiệp ngoài tỉnh làm việc; số còn lại chưa có dự định.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH An Giang cho biết, sau Tết, có 85% số lao động đã quay trở lại làm việc hoặc tìm kiếm công việc mới ngoài địa bàn An Giang. Số lao động còn lại, Sở LĐ-TBXH tỉnh đang phối hợp với địa phương triển khai các giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động.
Còn đối với lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trước và sau Tết, tương đối ổn định, không biến động nhiều. Qua rà soát, số lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đạt hơn 98%, trong đó, tại các KCN đạt trên 95%.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh có khoảng 49.657 lao động. Tính đến ngày 30/1, đã có hơn 35.100 lao động ngoài tỉnh trở lại các doanh nghiệp làm việc và hơn 14.500 lao động trong tỉnh trở lại doanh nghiệp làm việc bình thường.
Theo lãnh đạo ngành lao động tại một số tỉnh miền Tây, về nguồn cung – cầu lao động nhiều năm qua, còn xảy ra tình trạng thừa thiếu lao động cục bộ giữa các ngành. Hiện nay, các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản có nhu cầu tuyển dụng cao.
Trong khi đó, ở các ngành nghề dệt may, da giày, có khá nhiều lao động bị ảnh hưởng, như: giảm giờ làm thêm, giảm giờ làm và một số doanh nghiệp cho lao động ngừng việc, nghỉ việc.
Nguyên nhân của tình trạng trên, ngành lao động tại các địa phương này cho rằng, do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt,… Từ đó, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.
Bình luận