Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH đề cập chuyện này khi dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Cao đẳng Lào Cai chiều 16/11.
Quyết định thu về quả ngọt
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, biểu dương thầy và trò Trường Cao đẳng Lào Cai đã nỗ lực vượt khó để có những tiến bộ nhanh và vững chắc sau 5 năm sáp nhập.
Ôn lại kỉ niệm 5 năm trước, khi là người ký quyết định sáp nhập, tổ chức lại các trường thuộc các lĩnh vực y tế, kinh tế, văn hóa… thành Trường Cao đẳng Lào Cai, Bộ trưởng chia sẻ, thời điểm đó, ông và lãnh đạo tỉnh Lào Cai vừa mừng, vừa lo.
Tuy nhiên, với quyết tâm rất cao, quyết định đó đến ngày hôm nay đã thu về quả ngọt.
“Việc quyết định điều chuyển một Chủ tịch huyện về làm hiệu trưởng nhà trường chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, với tư duy rất cởi mở, chúng tôi đặt trọn niềm tin vào hiệu trưởng và đến nay điều đó đã thành công”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Qua báo cáo của Hiệu trưởng nhà trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ấn tượng với những thành tựu thầy và trò nhà trường đã đạt được sau 5 năm sáp nhập từ 5 đơn vị, lĩnh vực khác nhau.
Bộ trưởng khái quát, 5 năm qua (2018-2023), thầy và trò Trường Cao đẳng Lào Cai vượt qua nhiều khó khăn thách thức và đã đạt được những dấu mốc quan trọng, những thành tựu nổi bật như sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, hoạt động đi vào nền nếp, hiệu quả hơn.
Đội ngũ nhà giáo không ngừng nâng cao về chất lượng và phát triển về số lượng. Trên 300 nhà giáo và nhà quản lý của nhà trường có gần 50% trình độ tiến sĩ và thạc sĩ.
Công tác tuyển sinh có nhiều đổi mới, với cách làm sáng tạo, từ đó kết quả tuyển sinh hằng năm luôn hoàn thành chỉ tiêu giao. Chất lượng đào tạo nghề có nhiều chuyển biến, dần đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của đại đa số doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
“Sinh viên ra trường có việc làm không, thu nhập có tốt không. Sau khi ra trường người học có nhu cầu học lên, có được học liên thông không… Đây là điều tôi rất quan tâm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ông vui mừng khi cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo của nhà trường được đầu tư bài bản và dần hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đặc biệt, nhà trường đã khẳng định được vị thế là một đơn vị trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
“Trường ở một tỉnh miền núi biên giới, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đã đạo tạo thường xuyên 48.000 học sinh, sinh viên, chiếm 10% lực lượng lao động của tỉnh. Đến thời điểm này, nhà trường đã đào tạo 7 ngành, nghề, lĩnh vực thuộc chương trình chất lượng cao, trình độ ASEAN”, theo Bộ trưởng đây là một bước tiến đột phá của Trường Cao đẳng Lào Cai.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn đội ngũ nhà giáo qua các thời kỳ, đã chung tay tạo nên sự thay da đổi thịt của Trường cao đẳng Lào Cai, đạt được những tiến bộ nhanh, vững chắc chỉ trong một thời gian ngắn.
Đơn đặt hàng của Bộ trưởng
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đào tạo nguồn nhân lực là một việc hết sức khó khăn đối với mọi quốc gia, đào tạo nghề lại càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi không gian, việc đòi hỏi thay đổi căn bản nền giáo dục nghề nghiệp, theo Bộ trưởng, càng quan trọng hơn bao giờ hết.
“Tôi làm Bộ trưởng 2 nhiệm kỳ, 8 năm qua, tất cả các kỳ họp Quốc hội, gần như kỳ nào cũng nhận những chất vấn, sát hạch về giáo dục nghề nghiệp. Điều đó cho thấy xã hội rất quan tâm, Quốc hội rất chú trọng vấn đề này và xã hội đòi hỏi chúng ta rất cao”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Về nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu nhà trường, tỉnh Lào Cai tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến chất lượng, tạo ra những đột phá mới không chỉ giải quyết vấn đề thất nghiệp mà còn góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra việc làm mới.
Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho rằng, giáo dục nghề nghiệp muốn đột phá mạnh phải có sự phối hợp giữa nhà trường và các cấp, các ngành. Do đó, ông lưu ý, việc phối hợp đối với đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là khâu đột phá rất quan trọng, làm sao phải biến các doanh nghiệp như một trường đào tạo nghề khi đó mới thành công.
Bộ trưởng lưu ý, giáo dục nghề nghiệp phải phát triển theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng, đa chương trình, đa đối tượng đào tạo. Trong trường cao đẳng có trung cấp, sơ cấp và tiến tới trong trường được dạy học sinh cùng lúc hai bằng, tốt nghiệp cơ sở và học nghề.
“Sáng học viên có thể học văn hóa, chiều học nghề để không bị gián đoạn mất 3 năm phổ thông”, theo Bộ trưởng, đây là một hướng giải quyết cho giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Tại lễ khai giảng, Bộ trưởng cũng đưa ra một đơn “đặt hàng” cho nhà trường. Ông phân tích, Lào Cai rất nhiều rừng, có lợi thế lớn để phát triển thị trường cacbon, cần 150.000 người được cấp chứng chỉ nghề cacbon quốc tế, có thể đào tạo bằng công nghệ trong thời gian ngắn.
Bộ trưởng đặt mục tiêu đến năm 2025, Trường Cao đẳng Lào Cai trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao của cả nước, đến năm 2030 ít nhất phải có 5-7 ngành nghề lĩnh vực đào tạo trình độ quốc tế và trở thành một trong những địa chỉ tin cậy về đào tạo nghề của khu vực.
Bình luận