Chủ doanh nghiệp kể về quyết định khó khăn cho 1.200 công nhân nghỉ việc

Chủ doanh nghiệp kể về quyết định khó khăn cho 1.200 công nhân nghỉ việc. Đây là nội dung được chủ doanh nghiệp báo cáo tại cuộc làm việc của Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn đầu với các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Đoàn công tác trực tiếp tới Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân), doanh nghiệp vừa qua đã cắt giảm 1.200 lao động.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những chế độ phúc lợi mà công ty đã giải quyết cho người lao động thời gian qua, đặc biệt đối với 1.200 lao động phải nghỉ việc từ đầu tháng 11.

“Không chỉ lợi nhuận kinh doanh, trách nhiệm xã hội cũng là điều quan trọng đối với các doanh nghiệp. Dù hiện tại có khó khăn, trách nhiệm xã hội sẽ tạo nên uy tín của công ty. Sau này, khi phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cũng dễ dàng tuyển thêm lao động”, ông Thanh chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận định, việc công ty Tỷ Hùng chi trả phúc lợi tốt cho công nhân thời gian qua là cách tuyên truyền tốt nhất để lao động quay trở lại làm việc khi thị trưởng ổn định.

Ông Thanh cho rằng, việc công ty Tỷ Hùng cho lao động ngưng việc do đơn hàng giảm mạnh, đây là nguyên nhân khách quan mà doanh nghiệp không hề mong muốn. Do đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH rất thấu hiểu với những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.

“Thị trường năm 2023 sẽ còn rất khó khăn, do vậy, doanh nghiệp cần làm việc với các đối tác nước ngoài nhằm mở rộng thị trường. Qua đó, có cơ sở tập trung thêm vào thị trường nội địa, đẩy mạnh sản xuất để công nhân có việc làm”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu.

Chủ doanh nghiệp kể về quyết định khó khăn cho 1.200 công nhân nghỉ việc - 2
Bà Phạm Thị Út – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Hùng phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh: Trần Đạt).

Thông tin về tình hình hoạt động của công ty bà Phạm Thị Út – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Hùng cho hay, từ đầu năm 2022, công ty bị thu hẹp sản xuất, đơn hàng giảm. Tuy vậy, công ty đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, sắp xếp cho công nhân được làm việc để đảm bảo quyền lợi.

Tuy nhiên, do thị trường chủ yếu là Châu Âu, hiện diễn biến phức tạp dẫn đến đơn hàng bị giảm sút nghiêm trọng.

Thông thường, nhà máy có đơn hàng từ 200.000 – 250.000 đôi giày/tháng, giờ đây chỉ còn 60.000-70.000 đôi/tháng, giảm từ 70-80%. Các đơn hàng còn lại chủ yếu nằm ở dây chuyền nhỏ. Nếu sắp tới có đơn hàng, doanh nghiệp sẽ đưa xuống các nhà máy tỉnh để duy trì hoạt động.

“Đối với chúng tôi, quyết định cho 1.200 công nhân nghỉ là điều khó khăn. Công ty cố gắng hỗ trợ tiền để công nhân có cơ sở tìm công việc mới thích hợp hơn”, bà Út nói.

Dù khó khăn, đơn vị cho biết vẫn luôn đối thoại để thấu hiểu tâm tư của người lao động, đưa ra động thái thích hợp cho cả doanh nghiệp và công nhân. Khi gần 1.200 công nhân nghỉ việc, hơn 600 công nhân còn lại vẫn được làm việc ở các dây chuyền nhỏ, không bị giảm giờ làm.

Theo bà Lê Thị Kiều Phượng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH), đơn vị đã có tiếp cận với công ty, cử cán bộ tư vấn công nhân tiếp cận chính sách thất nghiệp, học nghề.

Qua đó, trung tâm nhanh chóng tìm doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với lao động, có mức lương 7-12 triệu. Song, đơn vị vẫn ghi nhận 628 công nhân chưa có nhu cầu tìm việc.

Lý giải điều này, bà Phạm Thị Út cho hay: “Công nhân có nhiều thứ băn khoăn. Gần Tết, họ muốn lãnh trợ cấp thất nghiệp, muốn về quê, qua năm rồi mới kiếm việc mới”, bà Út chia sẻ.

Tại buổi làm việc với Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, Ban Giám đốc cho hay so với 2020, doanh thu chỉ tăng trưởng được 1%. Cạnh tranh trong ngành dệt may ngày càng gay gắt. Công ty phải nhận đơn hàng với đơn giá thấp hơn, biên độ lợi nhuận giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, nhất là ngành may.

Chủ doanh nghiệp kể về quyết định khó khăn cho 1.200 công nhân nghỉ việc - 3
Lãnh đạo Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH trao đổi về hướng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động (Ảnh: Trần Đạt).

Để không phải sa thải công nhân, duy trì sản xuất, Công ty sẽ không tuyển thêm công nhân nếu có người nghỉ việc.

Ngoài ra, công nhân được nghỉ thêm thứ 7, nghỉ lễ nhưng vẫn hưởng lương. Đồng thời, duy trì chế độ thưởng Tết khoảng 1,7 tháng thu nhập cho người lao động. Trung bình, thu nhập của người lao động công ty khoảng 11 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, đơn vị chấp nhận đơn hàng lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận để duy trì sản xuất. Công ty kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục vay vốn và giảm tiền thuê đất trong thời gian tới.

Thông tin về vấn đề trên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, hiện tại, chính phủ đang thành lập Ban chỉ đạo kinh tế vĩ mô, nhằm tập trung phát triển thị trường, có chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với doanh nghiệp.

Thứ trưởng nhận định, công ty đang thực hiện đối thoại với các sở, ban ngành, người lao động rất tốt. Do đó, cần phát huy được trò của người lao động, công đoàn, thể hiện sự quan tâm của người sử dụng lao động.

Sắp tới, để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư thêm về hệ thống máy móc để tăng năng suất, mở rộng thị trường tiêu thụ để hạn chế tình trạng công nhân bị giãn việc, ngưng việc.

Bình luận