Bỏ việc văn phòng, đến Úc lao động chân tay kiếm trăm triệu mỗi tháng, cơ hội lao động sang Úc làm việc – Kiếm vài triệu đồng mỗi ngày là… chuyện thường
Những ngày qua, mạng xã hội tràn ngập thông tin về việc đến Úc làm ở nông trại, hãng thịt có thể kiếm được vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Thông tin này khiến nhiều lao động trong nước và cả lao động Việt đang ở nước ngoài được phen “dậy sóng”.
Theo anh Duy Nam – Giám sát sản xuất tại một hãng thịt ở Úc, kể cả người mới qua Úc cũng có thể kiếm được gần trăm triệu đồng mỗi tháng. Riêng với những lao động đã có tay nghề, thu nhập còn có thể nâng lên gần 200 triệu đồng.
Hãng thịt nơi anh Nam đang làm việc hiện đang tuyển dụng người lao động theo diện visa 462 (vừa du lịch, vừa làm việc). Do chưa có kinh nghiệm, người lao động mới đến sẽ được sắp xếp làm những công việc nhẹ nhàng hơn so với người có thâm niên lâu năm. Từ đó, mức lương cũng phụ thuộc vào khối lượng công việc của mỗi người.
Cụ thể, công ty sẽ trả lương tối thiểu cho một giờ làm là 500.000 đồng (tương đương 30 AUD – đô la Úc) và tối đa là khoảng 930.000 đồng (55 AUD). Tại đây, công nhân sẽ làm việc từ 38-45 tiếng/tuần. Vậy nên, việc kiếm vài triệu mỗi ngày, trăm triệu mỗi tháng là điều có thể đạt được.
“Để đạt mức lương tối đa, các bạn sẽ làm những công việc yêu cầu kỹ năng cao và khối lượng công việc nhiều hơn như giết mổ, rút xương, cắt lát… Đối với những người mới vào làm, chỉ cần hoàn thành các phần việc như đóng gói, bốc xếp là đã có thể nhận mức lương tối thiểu”, anh Nam nói.
Đến Úc từ năm 2017, anh Nam cho hay, thời điểm đó, việc nộp visa (thị thực) rất khó. Hiện tại, Úc dần mở cửa cho dân nhập cư nên yêu cầu với việc nhập cảnh cũng giảm bớt đáng kể.
Trước đây, anh Nam từng có một công việc văn phòng ổn định tại Việt Nam. Khi quyết định bỏ việc đi làm lao động chân tay, anh Nam không khỏi đắn đo và cũng gặp nhiều khó khăn thực tế.
“Thời gian đầu thì sẽ cảm thấy vất vả do mình đang làm việc văn phòng rồi chuyển qua lao động chân tay, cộng thêm sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng sau một thời gian, tôi đã bắt nhịp được với cuộc sống ở Úc và thấy đây là sự lựa chọn sáng suốt. Thu nhập của tôi cao gấp 20 lần so với ở Việt Nam. Quan trọng, thu nhập cao mà chi phí sinh hoạt ở Úc lại thấp hơn so với các nước khác, nên về khía cạnh kinh tế, gia đình tôi rất thoải mái”, anh Nam chia sẻ.
Đến Úc hơn 4 tháng, Chương Do Phú (22 tuổi, ngụ tại TP Adelaide) bộc bạch, không chỉ riêng thu nhập, Phú còn nhận được nhiều trải nghiệm, bài học tinh thần khi được giao lưu văn hóa với các đồng nghiệp trong nông trại.
“Sau vài tháng sống ở Úc, tôi cảm nhận đây là đất nước đáng sống. Từ chi phí nhà ở, ăn uống, du lịch so với thu nhập đều khá thoải mái. Quan trọng nhất là ở đây được mở mang tầm mắt, trưởng thành và có nhiều trải nghiệm hơn”, Phú tâm sự.
Được biết, Phú đến Úc theo diện visa 462, nên dù chỉ vừa hoàn thành năm 3 đại học, chàng trai đã có thể bảo lưu việc học để làm hồ sơ đi làm. Trong đó, toàn bộ chi phí làm hồ sơ, nộp visa, khám sức khỏe và mua vé máy bay chỉ gần 30 triệu đồng.
Đánh đổi nhiều thứ
Chị Nguyễn Trang, làm việc tại nông trại ở thị trấn Robinvale nhận định, thu nhập 100-200 triệu đồng/tháng ở Úc không phải không thể nhưng rất khó để đạt được. Tại nông trại chị Trang đang làm việc hiện có hơn 200 công nhân. Một công nhân làm việc 38 giờ/tuần tại nông trại, được trả 450.000 đồng/giờ thì có thể kiếm được hơn 68 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, mức thu nhập này sẽ không còn nguyên vẹn sau khi tính tới chi tiêu. Chi phí sinh hoạt như nhà ở, ăn uống, xăng xe đi lại có thể dao động khoảng 17 triệu đồng/tháng. Như vậy, với mức thu nhập giới hạn 60-70 triệu đồng/tháng, người lao động có thể dành dụm được khoảng 42 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với loại visa 462, người lao động phải đóng thuế 15% nếu thu nhập dưới 760 triệu đồng/năm. Mức thuế sẽ tăng cao nếu thu nhập vượt ngưỡng nói trên.
“Con số mấy chục triệu đồng thu nhập mỗi tháng thực chất cao hơn so với xuất khẩu lao động ở các nước khác, nhưng so với thông tin kiếm 100-200 triệu/tháng thì quá xa. Để đạt được mức đó, người lao động phải nhân đôi số giờ làm, làm 2 công việc cùng lúc, mỗi ngày làm khoảng 11 giờ và trong tháng đó không nghỉ ngày nào”, chị Trang nói.
Song, thực tế tính chất công việc ở nông trại phụ thuộc thời tiết, khó có thể đáp ứng nhu cầu làm việc “quần quật” như trên. Nếu có thể, trong năm chỉ có một vài tháng hoặc chỉ một tháng cao điểm trời không mưa thì mới làm việc được như vậy. Tần suất làm việc như đề cập rất hiếm, chỉ một vài người đạt được, trong điều kiện thuận lợi.
Để làm ra số tiền đó, người lao động phải bỏ nhiều công sức, có người vì quá mệt nên ngã bệnh, kiệt sức. Thời tiết ở một số bang tại Úc lại đặc biệt khắc nghiệt và thay đổi liên tục, người lao động làm việc dưới điều kiện thất thường vô cùng khó khăn.
“Vẫn có một số người cực giỏi, nhưng đa số là người Mã Lai, Trung Quốc có thâm niên 7-8 năm mới kiếm được mức thu nhập đó. Nhiều người nghe nói làm việc ở Úc có thể kiếm trăm triệu đồng, nhưng quên mất từ “có thể”, vô tình mặc định về con số đó mà quên mất những yếu tố khắc khe khác”, chị Trang giải thích.
Theo chị Trang, những tin đồn về “việc nhẹ, lương cao” ở Úc khiến nhiều người ngỡ ngàng, thậm chí bị lừa tiền khi cố gắng làm thủ tục sang Úc. Không ít trung tâm chào mời, yêu cầu người lao động Việt đóng hàng trăm triệu đồng để làm giấy tờ sang Úc làm việc. Trong khi đó, toàn bộ chi phí theo quy định chưa đến 40 triệu đồng.
Vì số tiền bỏ ra ban đầu cao, dù may mắn đến được Úc, những người lao động “chui” sẽ phải làm việc vài năm mới trả được số nợ để đi.
“Một số người vì muốn đi nên đã làm bằng cấp, giấy tờ giả, khi bị phát hiện, người đó không chỉ bị từ chối hồ sơ mà còn mất tiền, ảnh hưởng đến những toàn bộ lực lượng lao động và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Làm việc ở Úc là để trải nghiệm, rồi trở về xây dựng sự nghiệp của bản thân, cần coi việc ra đi không phải tấm vé một chiều, mà là vé khứ hồi”, chị Trang khuyến cáo.
Bình luận