Tiền lương tăng hơn 20%
Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tính bằng cách lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số lương.
Trong đó, hệ số lương được tính theo nguyên tắc cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thì xếp lương theo ngạch hoặc chức danh đó.
Mức lương cơ sở áp dụng trước ngày 1/7 là 1,49 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/7 trở đi, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, cao hơn 20,8% so với lương cơ sở cũ.
Với việc tăng lương cơ sở này, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang cũng sẽ thay đổi theo hướng tăng thêm khoản 20,8%.
Hàng loạt khoản phụ cấp tăng theo
Ngoài lương, người lao động khu vực nhà nước còn được tăng thu nhập thực tế khi hàng loạt khoản phụ cấp ngoài lương cơ bản được tăng theo mức lương cơ sở mới.
Thứ nhất là phụ cấp thâm niên vượt khung. Tùy theo vị trí, thâm niên công tác mà mức phụ cấp này được tính theo tỷ lệ % mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch. Khi tiền lương tháng tăng theo lương cơ sở thì mức phụ cấp này cũng sẽ tăng theo.
Thứ 2 là phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo. Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Khi các khoản tiền lương, phụ cấp thâm niên vượt khung… tăng thì tất nhiên phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo cũng tăng.
Thứ 3 là phụ cấp khu vực áp dụng đối với người làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu. Phụ cấp gồm 7 mức (0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0) so với mức lương cơ sở. Khi lương cơ sở tăng, tiền thực lĩnh của khoản phụ cấp này cũng sẽ tăng.
Thứ 4 là phụ cấp đặc biệt áp dụng đối với người làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Phụ cấp gồm 3 mức như sau: 30%; 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)… Khi tiền lương và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên tăng thì phụ cấp đặt biệt cũng sẽ tăng theo.
Thứ 5 là phụ cấp thu hút áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Phụ cấp gồm 4 mức như sau: 20%; 30%; 50% và 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Khi tiền lương và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên tăng thì phụ cấp đặt biệt cũng sẽ tăng theo.
Thứ 6 là phụ cấp lưu động áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở. Phụ cấp gồm 3 mức (0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương cơ sở). Khi lương cơ sở tăng, tiền thực lĩnh của khoản phụ cấp này cũng sẽ tăng.
Thứ 7 là phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương. Phụ cấp gồm 4 mức (0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở).
Thứ 8 là các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc, bao gồm: phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp trách nhiệm công việc… Tùy theo vị trí được quy định mà được hưởng mức phụ cấp khác nhau căn cứ theo mức lương cơ sở.
Nhiều khoản trợ cấp tăng cao
Ngoài thu nhập hàng tháng tăng cao nhờ tiền lương và phụ cấp tăng, người lao động còn được hưởng lợi khi hàng loạt chế độ trợ cấp BHXH cũng tăng theo lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 1/7.
Thứ nhất là mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau. Trợ cấp này tính theo ngày, một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Khi tăng lương cơ sở thì mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.
Thứ 2 là trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi. Khi tăng lương cơ sở thì mức hưởng trợ cấp này sẽ tăng từ 2,98 triệu đồng cho mỗi con lên thành 3,6 triệu đồng cho mỗi con.
Thứ 3 là mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản. Từ ngày 1/7, mức hưởng chế độ này sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.
Thứ 4 là trợ cấp một lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khi tăng lương cơ sở, NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp một lần thấp nhất (khi bị suy giảm 5% khả năng lao động) là 9 triệu đồng, sau đó cứ suy giảm thêm 1% khả năng lao động được hưởng thêm 900.000 đồng.
Thứ 5 là trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Từ ngày 1/7, NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng thấp nhất (khi bị suy giảm 31% khả năng lao động) là 540.000 đồng/tháng, sau đó cứ suy giảm thêm 1% khả năng lao động được hưởng thêm 36.000 đồng/tháng.
Thứ 5 là trợ cấp phục vụ cho người bị TNLĐ, BNN. Khi tăng lương cơ sở, mức trợ cấp này sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra còn có hàng loạt trợ cấp BHXH khác cũng tăng theo lương cơ sở như trợ cấp một lần khi chết do TNLĐ, BNN; mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng…
Nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu
Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về mức lương hưu hằng tháng, lao động nam có 20 năm đóng BHXH khi nghỉ hưu được hưởng mức lương hưu bằng 45% mức lương đóng BHXH, lao động nữ có 15 năm đóng BHXH khi nghỉ hưu được hưởng mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tháng đóng BHXH, sau đó cứ thêm 1 năm đóng BHXH được tính thêm 2%.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi cũng được tính theo tỷ lệ như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì mức hưởng lương hưu giảm 2%.
Ngày 3/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7.
Theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP, có 3 nhóm cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu như quy định trên.
Người tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Người tinh giản biên chế là cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên.
Người tinh giản biên chế là nữ cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định mà có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc.
Bình luận