Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại CHLB Đức, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng Đoàn công tác ngày 24/9 đã đến làm việc với Bộ Xã hội và Hòa nhập, Bộ Kinh tế, Lao động và Nhà ở Bang Baden- Württemberg. Mục đích của buổi làm việc là giúp thúc đẩy hợp tác về giáo dục nghề nghiệp và xuất khẩu lao động.
Tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề xuất tăng cường hợp tác giữa hai bên thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác về giáo dục nghề nghiệp; Ký thỏa thuận hợp tác về tiếp nhận lao động, trong đó có nghề điều dưỡng viên giữa Tổng cục Lao động Bộ Xã hội và Hòa nhập Bang Baden- Württemberg và Cục quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam)…
Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH làm việc với lãnh đạo Bang Baden- Württemberg
Bộ trưởng cũng thông báo về tình hình và nỗ lực của Việt Nam sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU và nhấn mạnh rằng Việt Nam đặc biệt quan tâm chú trọng vấn đề lao động và phát triển bền vững khi thực hiện Hiệp định.
“Chúng tôi xác định phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, qua đó giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam rất coi trọng hợp tác với CHLB Đức trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Về phía CHLB Đức, Tiến sĩ Nicole Hoffmeister-Kraut, Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Nhà ở thông báo với đoàn Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Bang.
Theo đó, Baden- Württemberg là bang lớn thứ 3 của nước Đức và được xếp hạng hàng đầu châu Âu về sáng tạo, trong đó đào tạo nghề là trụ cột chính trong phát triển kinh tế xã hội của Bang.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Kinh tế , Lao động và Nhà ở Bang Baden – Württemberg
Tiến sỹ Nicole Hoffmeister-Kraut cho biết: “Việt Nam là đối tác quan trọng của CHLB Đức trong Khối ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh EU và Việt Nam vừa ký Hiệp định thương mại tự do. Từ ngày 1/3/2020, Luật Nhập cư của CHLB Đức có hiệu lực. Điều này sẽ tạo điều kiện hơn trong việc thúc đẩy việc tiếp nhận lao động từ các nước ngoài EU, trong đó có Việt Nam”.
Được biết, Việt Nam và Bang Baden – Württemberg đã bắt đầu hợp tác về giáo dục nghề nghiệp từ năm 1993. Năm 2011, thông qua Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Bang Baden- Württemberg và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về tiếp nhận lao động sang làm việc.
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, CHLB Đức đang có nhu cầu lớn về nhân lực, đặc biệt là nhân lực làm nghề điều dưỡng.
Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Việt Nam đã và đang triển khai đưa lao động đi làm việc ở các quốc gia phát triển, trong đó có gần 1.000 điều dưỡng viên Việt Nam đã sang làm việc tại CHLB Đức.
Bình luận