Doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn đang tập trung tuyển dụng lao động, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2024 tới gần.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, mỗi phiên thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài những phiên trực tiếp, trung tâm cũng kết hợp tổ chức phiên lưu động, online.
Hiện nay, có 23 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển lao động. Bên cạnh công ty về các sản phẩm bán dẫn là Hana Micron Vina tuyển trên 1.000 người, thì hai đối tác của Apple là Luxshare ICT, New Wing Interconnect Technology đang có nhu cầu tuyển hàng chục nghìn lao động.
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm nhận định, trong những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp phía Bắc sẽ tiếp tục tăng tuyển dụng lao động, riêng tại thị trường thủ đô dự báo cần 120.000-140.000 lao động.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, qua thu thập thông tin, phản hồi từ doanh nghiệp cũng như phân tích thị trường lao động, đơn vị đánh giá lĩnh vực dịch vụ thương mại tiếp tục tuyển dụng cao.
Tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo lĩnh vực xây dựng, tài chính ngân hàng, văn phòng cũng sẽ tuyển dụng nhiều trong thời điểm từ nay đến cuối năm.
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động
Theo Tổng Cục thống kê, trong quý III, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng gần 100.000 người so với quý trước và hơn 500.000 người so với cùng kỳ năm trước.
51,3 triệu lao động có việc làm, tăng 87.400 người so với quý II. Tính chung 9 tháng đầu năm, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,2 triệu người.
Điểm đáng lưu ý, quý III ghi nhận sự phục hồi nhẹ về lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi bị sụt giảm do ảnh hưởng của việc thiếu đơn hàng.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đơn vị này đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển và nâng cao năng lực các hoạt động dịch vụ việc làm để tăng cường kết nối cung – cầu lao động.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động để cung cấp thông tin định hướng cho các chủ thể tham gia thị trường lao động.
Cụ thể, các đơn vị thường xuyên cập nhật bộ dữ liệu đầu vào phục vụ công tác phân tích, dự báo; phối hợp với các bộ, ngành, các trường đại học trong nước… cùng nghiên cứu, khai thác, phân tích dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm làm công tác dự báo về thị trường lao động.
Trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực…
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận