Bức tranh thị trường hai mảng màu
Lê Đức Tài là sinh viên ngành Truyền thông và mạng máy tính của trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức khóa 2016. Vừa tốt nghiệp vào năm 2019, Tài đã được nhận vào làm vị trí kỹ sư hệ thống cho một công ty công nghệ.
Sau 2 năm đi làm, tích lũy tài chính và kinh nghiệm, Tài cùng một người bạn thành lập công ty chuyên lắp đặt, bảo trì hệ thống thiết bị công nghệ cho doanh nghiệp. Dù thành lập trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra nhưng công ty của Tài vẫn có đơn hàng liên tục, hoạt động ổn định và mở rộng nhanh chóng.
Thực tế thị trường lao động cho thấy, các doanh nghiệp đang rất “ưu ái” cho lao động có kỹ năng, biết làm việc như Tài. Nhiều doanh nghiệp tìm đủ cách để tìm kiếm, giữ chân những lao động làm được việc như vậy vì những nhân sự như vậy rất dễ bị các doanh nghiệp khác mời chào, hoặc bung ra ngoài làm ăn riêng.
Nhìn vào số liệu báo cáo của các đơn vị quản lý lao động tại TPHCM có thể thấy rõ xu hướng khác nhau hoàn toàn giữa lao động có trình độ nghề và lao động có trình độ đại học trở lên.
Nếu xem thị trường lao động là một bức tranh thì đó là bức tranh có 2 mảng màu đối nghịch. Doanh nghiệp cần rất nhiều lao động có trình độ nghề nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần, còn lao động có trình độ đại học dư thừa, doanh nghiệp đều muốn “tránh” vì sử dụng thì lãng phí mà lại phải trả lương cao hơn.
Khảo sát nhu cầu lao động năm 2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên chỉ hơn 20% còn nhu cầu nhân lực trình độ nghề lại chiếm gần 66%.
Nhưng thực tế, trình độ của những người đi tìm việc lại trái ngược hoàn toàn. Trong tổng số 140.000 lượt người tìm việc được khảo sát có xấp xỉ 79% có trình độ đại học trở lên, số người trình độ nghề đi tìm việc chỉ chiếm gần 19%.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, trong năm 2022 có hơn 146.000 người mất việc đủ điều kiện, đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số đó có hơn 45.500 người có trình độ đại học và trên đại học (chiếm tỷ lệ hơn 31%), trình độ nghề (cả cao đẳng, trung cấp và sơ cấp) chỉ có gần 18.000 lao động (khoảng 12%).
Những con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Trong khi đó, công việc của lao động có trình độ đại học trở lên lại không ổn định, tỷ lệ bị mất việc rất cao.
Khó kiếm việc sao vẫn đua nhau vào đại học?
Bức tranh với hai mảng màu đối nghịch trên được cho là kết quả của nhiều năm đào tạo theo xu hướng nâng cao bằng cấp, đua nhau vào đại học của người dân, tâm lý ưu chuộng bằng cấp cao của các phụ huynh.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp, TPHCM), cho biết: “Tâm lý phụ huynh hiện vẫn chuộng bằng cấp, thích cho con cái học đại học hơn là đi học nghề. Nếu không học được đại học thì người ta tính tới cao đẳng, không học được cao đẳng mới đến trung cấp”.
Với hơn 40 năm làm công tác dự báo nhân lực, ông Trần Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định, tâm lý ưu chuộng bằng cấp của người dân khiến cung cầu thị trường lao động mất cân bằng rất lớn. Trong khi tỷ lệ nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên thấp thì nguồn cung lại cao, ngược lại, doanh nghiệp tìm kiếm lao động trình độ trung cấp không ra.
Ông Tuấn cho biết, học viên trường nghề ra trường dễ kiếm việc làm vì nhu cầu thị trường lớn, được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp gần với thực tế lao động tại doanh nghiệp… Học nghề có nhiều lợi thế hơn học đại học vì thời gian đào tạo ngắn, học phí thấp, thậm chí là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sơ chuyển sang học nghề còn được nhà nước hỗ trợ học phí.
Thế nhưng, thực tế tuyển sinh của các trường nghề năm nào cũng rất khó khăn. Chỉ tiêu tuyển sinh vượt chủ yếu ở nhóm đào tạo chứng chỉ nghề sơ cấp, còn các hệ trung cấp và cao đẳng rất khó tuyển sinh. Phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đều quyết tâm thi vào đại học. Các trường nghề chủ yếu tuyển sinh số lượng học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, không tiếp tục học lên cấp 3.
Nhưng dù có chọn học nghề thì học sinh cũng đua nhau học cao đẳng chứ ít chú ý đến trung cấp, hệ đào tạo lớp lao động kỹ thuật mà doanh nghiệp cần nhiều nhất. Còn nghề sơ cấp, đào tạo ngắn hạn chủ yếu dành cho lao động phổ thông học nâng cao kỹ năng, người lớn tuổi muốn chuyển đổi nghề nghiệp…
Theo ông Hoàng Quốc Long, quan niệm xem nhẹ việc học nghề của phụ huynh là sai lầm. Vì mỗi cá nhân chỉ có thể phát triển tốt, có tương lai tươi sáng khi lựa chọn đúng nghề mà người đó có năng khiếu, đam mê và yêu thích.
Ông nói: “Không phải có bằng cấp cao là thành công và phát triển. Ai cũng sợ học nghề xong thì làm thuê cả đời. Nhưng thực ra, một người được làm việc trong đúng lĩnh vực, ngành nghề có “khiếu” thì dễ thành công trong nghề nghiệp, có thể tự kinh doanh, cơ hội phát triển cao hơn nhiều so với việc có bằng cấp cao mà không phù hợp”.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận