Sáng 11/11, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) tại Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt, chia sẻ và kết nối thực tập sinh hoàn thành chương trình IM Japan về nước đồng thời ra mắt Ban liên lạc kết nối thực tập sinh về nước IM Japan.
Tham dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan, Phó chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội Đặng Đức Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng…
Về phía Đại sứ quán Nhật Bản có ông Watanabe Shige, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishii Chikahisa, Bí thư thứ nhất Ban Chính trị và Ban Kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bà Inokura Minako.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Thời gian qua, công tác này có bước phát triển mạnh mẽ, thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…
Trong đó, việc thực hiện các chương trình phi lợi nhuận như Chương trình EPS của Chính phủ Hàn Quốc, Chương trình IM Japan, Chương trình Osaka của Nhật Bản… do Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện ngày càng đạt hiệu quả.
Ông Hoan đánh giá, lao động đi làm việc ở nước ngoài có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Bên cạnh đó, người lao động được nâng cao tay nghề, tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ ngoại ngữ và kiến thức xã hội.
Lực lượng này sau khi về nước là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.
Do vậy, việc tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trở về rất được quan tâm và chú trọng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Lao động ngoài nước đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm.
Từ năm 2006, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai thực hiện đưa người lao động sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo thỏa thuận phái cử và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Mục tiêu của chương trình là giúp người lao động được rèn luyện tác phong làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, trau dồi kỹ năng tay nghề, nâng cao trình độ tiếng Nhật để sau khi hoàn thành chương trình về nước, với những kiến thức và kỹ năng đã được tích lũy sẽ tìm kiếm được các cơ hội công việc tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong hơn 17 năm qua đã có gần 8.700 lượt thực tập sinh được phái cử đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Hiện có gần 7.500 thực tập sinh đã hoàn thành chương trình về nước.
Ông Hoan đánh giá, đây là lực lượng lao động có tay nghề và kinh nghiệm làm việc với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, khả năng giao tiếp tiếng Nhật, am hiểu văn hóa Nhật Bản, có tác phong công nghiệp và cách thức làm việc của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Rất nhiều thực tập sinh về nước bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được đã khởi nghiệp thành công hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, ông Hoan ghi nhận và đánh giá cao những lợi ích của việc phái cử và tiếp nhận thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản nói chung và chương trình IM Japan nói riêng đã mang lại và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với thực tập sinh Việt Nam.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận