Vì sao lao động phía Nam ít ra nước ngoài làm việc?

Ngày 29/8, tại TP Cần Thơ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động phía Nam làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận”.

Ngành nghề nào ở nước ngoài có thu nhập cao?

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho biết từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đưa được trên 133.000 người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Vì sao lao động phía Nam ít ra nước ngoài làm việc? - 1
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Phạm Tâm).

Khi tham gia các chương trình do Trung tâm thực hiện có mức chi phí thấp, cách thức triển khai công khai minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận các chương trình, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách. Qua đó, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

4 ngành nghề mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc gồm: Sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Theo ông Hồng, người lao động làm trong các ngành nghề này đều được hưởng đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm như người lao động bản địa. Mức lương tối thiểu hiện nay là trên 2 triệu won/tháng (tương đương khoảng 36 triệu đồng), chưa kể tiền lương làm thêm giờ.

Đối với chương trình IM Japan, trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, thực tập sinh được hưởng lương 130.000-170.000 yên/tháng (từ 21,5 triệu đến 28 triệu đồng/tháng), sau khi kết thúc thời gian thực tập, thực tập sinh sẽ được nhận khoản tiền khuyến khích sự nghiệp là 200.000 yên/năm (tương đương 33 triệu đồng).

Mặc dù, thị trường lao động nước ngoài là thị trường có nhiều tiềm năng và hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, số lượng người lao động của 23 tỉnh, thành phố đi làm việc tại nước ngoài thông qua Trung tâm chỉ chiếm hơn 10% so với cả nước.

Vì sao lao động phía Nam ít ra nước ngoài làm việc? - 2
Các đại biểu tham dự hội thảo: “Thúc đẩy đưa người lao động phía Nam làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận” tại Cần Thơ ngày 29/8 (Ảnh: Phạm Tâm).

Cụ thể, số lượng người lao động các địa phương phía Nam xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc là 11.918/123.395 người trên cả nước, chiếm tỷ lệ 9,6%; thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan xuất cảnh từ năm 2017 đến nay có 335/3.690 người trên cả nước, chiếm tỷ lệ 9,6%. Một số tỉnh như Đồng Tháp, Long An có tỷ lệ người lao động tham gia các chương trình do Trung tâm thực hiện chỉ chiếm 3%-4%.

Theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm nguyên nhân người lao động phía Nam chưa mặn mà với các chương trình đi Nhật hay Hàn Quốc do họ có tâm lý ngại thay đổi, ngại đi xa gia đình và còn nhiều nghi ngại khi đi làm việc ở nước ngoài.

Các địa phương mặc dù quan tâm nhưng chưa tạo được phong trào, chưa xây dựng được các điển hình là thôn, xóm, xã, huyện có đông đảo người lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài như các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

“Chương trình EPS đi Hàn, IM Japan đi Nhật có yêu cầu khá cao khi thi tuyển, kỷ luật chương trình nghiêm dẫn đến tâm lý e ngại của người lao động.

Trung tâm chưa có cơ sở đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng tại phía Nam nên người lao động khu vực này phải ra Hà Nội thi tuyển và học định hướng, việc phải đi lại nhiều lần để thi tuyển, học định hướng làm tăng chi phí dẫn đến người lao động e ngại khi tham gia”, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước nhận định.

Làm gì để thu hút lao động phía Nam ra nước ngoài làm việc?

Để đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động đưa lao động đi làm việc nước ngoài, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Vì sao lao động phía Nam ít ra nước ngoài làm việc? - 3
Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ – phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Tâm).

“Trung tâm xem xét mở cơ sở đào tạo tại Cần Thơ cũng như tổ chức đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động khu vực ĐBSCL và các tỉnh lân cận được tổ chức tại Cần Thơ để giảm bớt chi phí cho người lao động”, bà Mai kiến nghị.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH dự kiến cuối năm 2023 sẽ tham mưu UBND TP Cần Thơ trình HĐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết hỗ trợ hoạt động Giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm, trong đó có Chính sách cho phép người lao động vay ưu đãi ký quỹ.

Sở cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đồng thuận cho TP Cần Thơ thành lập “Sàn giao dịch việc làm điện tử cấp vùng”, nhằm tạo chuỗi cung ứng lao động, mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Trong thời gian tới, Sở sẽ xem xét mở Cơ sở đào tạo và tổ chức đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động phía Nam tại TP Cần Thơ. Hỗ trợ người lao động mất việc quay trở lại thị trường lao động, ổn định cuộc sống.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, những năm qua Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa được nhiều người lao động, thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài, hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ giao, góp phần rất tích cực vào kết quả giải quyết việc làm ngoài nước.

Vì sao lao động phía Nam ít ra nước ngoài làm việc? - 4
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Tâm).

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoan, qua báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước và tham luận của các đơn vị, có thể thấy người lao động của các địa phương khu vực phía Nam tham gia các Chương trình của Trung tâm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành để nâng cao hiệu quả số lượng tham gia các Chương trình của người lao động phía Nam.

Riêng các trung tâm, ông Hoan đề nghị cần trao đổi với phía đối tác và triển khai mở các lớp đào tạo tiếng Nhật, đào tạo định hướng cho lao động tham gia chương trình IM Japan, EPS; đặt phòng thi tiếng Hàn tại khu vực ĐBSCL để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ tham gia các chương trình.

“Trung tâm lao động nước ngoài cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục dạy nghề, các Trường dạy nghề để nâng cao hiệu quả kết nối giữa công tác đào tạo và công tác tuyển chọn, phái cử lao động, từng bước nâng cao số lượng và tỷ lệ lao động đã được đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan yêu cầu.

Thứ trưởng Hoan nhấn mạnh: Trung tâm lao động nước ngoài cũng cần đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu người lao động với các đơn vị chức năng thuộc Bộ như Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm và các Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm các địa phương, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tiếp nhận lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.

Bình luận