Nghỉ việc vì lương thấp, các lao động trẻ đua nhau tìm đâu nghề thu nhập cao?
Tháng 2/2023, sau quãng thời gian khó khăn cuối năm ngoái các doanh nghiệp đã sản xuất trở lại. Ở bảng tin tuyển dụng đầu khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) dán đầy thông báo tuyển dụng công nhân mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng kèm theo các khoản phụ cấp. Việc tìm người là thế nhưng những ứng viên có mặt vẫn loay hoay đi tìm “công việc ổn định”.
Chạy xe máy từ Lào Cai xuống Hà Nội tìm việc, nơi đầu tiên vợ chồng chị Giàng Thị Chư (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) tìm đến là bảng tuyển dụng. Không bạn bè giới thiệu, không có thông tin gì về tuyển dụng, vợ chồng chị Chư rời quê theo kiểu “đánh liều” xuống khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) tìm việc.
Trước đó, năm ngoái, hai vợ chồng chị làm công nhân điện tử ở Hải Phòng. Thời gian đầu đều việc, có tăng ca, mỗi người thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, ít việc, lương giảm một nửa, vợ chồng chị Chư quyết định nghỉ việc ngay trước Tết.
“Làm hết tháng 12/2022, vợ chồng mình quyết định nghỉ việc, chấp nhận bỏ luôn thưởng Tết. Thời điểm đó không còn lựa chọn nào, nghỉ việc sớm thì mới hi vọng sẽ sớm tìm được công việc mới. Ra năm mới nghỉ, các công ty ổn định sản xuất rồi thì lấy đâu việc cho mình”, anh Sèng (chồng chị Chư) nói.
Nhưng mọi việc không như đôi vợ chồng tưởng tượng, tính toán, cuối năm đi xin mãi không được việc, họ đành về quê ăn Tết sớm. Nhận tháng lương cuối cùng, hai vợ chồng cầm theo 12 triệu đồng về Lào Cai, mãi đến nay mới xuống Hà Nội tìm việc tiếp với mong muốn tìm được nghề thu nhập cao.
“Tết tiêu ít nên ra năm trong túi còn vài triệu mang đi để xuống đây xin việc. Xuống đây việc đầu tiên là vợ chồng mình tìm thuê trọ để có chỗ ở sau đó mới đi kiếm việc. Thời điểm này công ty nào cũng vậy, có muốn vội cũng thế”, anh Sèng vừa nói vừa nhìn vào hai bộ hồ sơ kẹp trước xe.
Trước khi làm công nhân, vợ chồng chị Chư ở quê trồng dứa, đến vụ thu hoạch thì gùi dứa qua cửa khẩu để bán, chưa vào vụ thì đi chặt chuối thuê.
“Mấy năm nay khu vực đường biên bị rào kín, dứa thu hoạch không mang sang bên kia (Trung Quốc – PV) bán được. Không có tiền, vợ chồng mới tìm công việc khác để nuôi con”, anh Sèng nói về lí do lựa chọn rời quê, xuống Hà Nội đi làm công nhân.
Dò từng tờ thông báo tuyển dụng trên bảng tin tìm việc, vợ chồng chị Chư mong tìm được công việc có mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng. Băn khoăn duy nhất của đôi vợ chồng trẻ chính là không biết công việc và thu nhập có ổn định không, vì áp lực 3 con đang tuổi ăn học ở quê.
“Bây giờ chỗ nào cũng khó khăn như vậy, không ai muốn chạy chỗ này, chỗ kia nhưng tìm được nơi có công việc ổn định, thu nhập tốt thì cuộc sống mình đỡ hơn”, anh Sèng phân trần.
Chọn việc lương tốt, có tăng ca
Cũng kiếm việc như vợ chồng chị Chư, hai vợ chồng chị Lan Anh (26 tuổi, quê Nghệ An) vừa đặt chân đến khu công nghiệp Thăng Long cũng ra ngay khu vực bảng tuyển dụng để tìm việc.
Tháng 6 năm ngoái, vợ chồng chị mới bắt đầu đi làm công nhân và xin được làm công việc thời vụ tại công ty Canon. Cuối tháng 12 hết hợp đồng, việc ít, lại không có tăng ca, vợ chồng chị Lan Anh quyết định về quê ăn Tết sớm đợi ra Giêng kiếm việc.
“Mức lương thời vụ khi đó là 5 triệu đồng, không có tăng ca, không thưởng Tết. Lương không đủ trang trải cuộc sống nên vợ chồng mình quyết định về quê, đầu tháng này mới quay trở lại”, chị Lan Anh cho biết.
Rời Nghệ An, hành trang đôi vợ chồng trẻ mang theo chỉ là quần áo và một số vật dụng cần thiết. Tìm được căn nhà trọ ở xã Võng La, dự định của hai vợ chồng là ổn định nơi ở rồi mới đến khu công nghiệp để tìm công việc phù hợp.
Trên bảng tin, nhiều công việc với mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng đăng tuyển nhưng hai vợ chồng trẻ quyết định chờ đợi công việc phù hợp chứ không vội chốt công ty nào.
“Hôm ra Hà Nội, vợ chồng mình khá lo lắng vì chưa biết nhu cầu tuyển dụng tại khu công nghiệp có nhiều không vì nghe thông tin nhiều công ty đang ít việc. Biết là khó nhưng hy vọng sẽ sớm tìm được công việc được trả lương tốt, có tăng ca để cuộc sống ổn định hơn”, chị Lan Anh cho biết.
Chọn nghỉ việc vì lương thấp và mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, Trần Quỳnh Nga (1999, quê Nam Định), tốt nghiệp ngành kế toán, mới ra trường quyết định nghỉ việc ở công ty bất động sản 1 tuần trước đó.
Vừa rời khỏi bàn tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm, cầm trên tay bộ hồ sơ, Nga khoe vừa ứng tuyển vào vị trí nhân viên tư vấn chăm sóc khách hàng của Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Mobiphone, khả năng trúng tuyển cao.
“Áp lực công việc, công ty thay đổi cơ chế, tiền lương giảm từ 8 triệu xuống còn 2 triệu nên mình quyết định nghỉ việc để đi tìm công việc phù hợp hơn. Hôm nay, mình ứng tuyển thêm vài công ty và sẽ suy nghĩ trước khi quyết định lựa chọn một công việc.
Trước đây, mình có thử làm việc ở vài công ty nhưng công việc không yêu thích nên cứ làm vài tháng lại bỏ. Bây giờ, với tấm bằng đại học ngành Kế toán, mình mong tìm được công việc ổn định, thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng trở lên”, Quỳnh Nga cho hay.
Lần đầu tiên đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội để làm các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chị Lê Thị Hồng Na (quận Hoàng Mai) phấn khởi khi được nhân viên tư vấn thông tin việc làm, chị hào hứng tham gia ứng tuyển, phỏng vấn.
“Trước đây, tôi làm kế toán công ty chuyển phát nhanh được 10 năm, thu nhập 15 – 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cuối năm 2022 công ty tinh giản biên chế nên tôi và nhiều người khác bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Bây giờ, tôi muốn tìm công việc kế toán lương 8 triệu đồng để có tiền lo cho 2 con ăn học. Tôi chấp nhận mức lương thấp hơn so với công ty cũ; chỉ mong có việc làm ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội, trả lương đầy đủ, đúng ngày”, chị Na cho hay.
“Đi tuyển người bao giờ cũng khó”
Đó là trăn trở của anh Phan Hoàng Anh, chuyên viên tuyển dụng của Công ty Cổ phần Mediamart chia sẻ với phóng viên khi tham gia phỏng vấn nhân sự tại một phiên giao dịch việc làm mới đây.
Hoạt động trong lĩnh vực điện máy, anh Hoàng Anh cho biết nhu cầu tuyển dụng của đơn vị này là liên tục, thường xuyên.
“Ngày nào, tháng nào cũng tuyển nhưng khó khăn trong tìm người làm, năm nào cũng có”, anh Hoàng Anh khái quát.
Nhiều năm làm nhân sự, anh Hoàng Anh cho hay, những khó khăn trong tuyển dụng không chỉ xuất phát từ việc công ty ngày càng mong muốn tìm kiếm những người lao động có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc tốt hơn, mà bản thân người lao động khi tham gia phỏng vấn đều có yêu cầu về mức lương, thu nhập cao hơn.
“Vấn đề người lao động quan tâm nhất là thu nhập, sau đó là môi trường làm việc, văn hóa của công ty. Tâm lí ai đi làm cũng muốn có thu nhập càng cao càng tốt, môi trường sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, nơi khiến họ cảm thấy muốn gắn bó lâu dài hoặc có lộ trình thăng tiến, phát triển rõ ràng”, anh Hoàng Anh cho biết.
Ghi nhận qua quá trình phỏng vấn các ứng viên, anh Hoàng Anh cho biết, người lao động tại Hà Nội thường mong muốn mức lương từ 8-10 triệu đồng, ứng viên tại các tỉnh, thành khác yêu cầu từ 6-9 triệu đồng cho các vị trí công việc giản đơn, riêng các vị trí có yêu cầu cao hơn thì sẽ có những đòi hỏi về mức thu nhập tương xứng.
Tuyển dụng lao động sau dịch khó khăn hơn cũng là nhận định của bà Luyện Diệu Linh, chuyên viên Phòng Dịch vụ chăm sóc khách hàng, chi nhánh Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Mobifone.
Kinh nghiệm qua các lần tuyển dụng, bà Linh nhận định, người lao động, đặc biệt là lao động trẻ ngày nay đều mong muốn có mức lương cao hơn khi tìm việc. Từ thực tế đó, phía công ty luôn cố gắng đảm bảo được một mức thu nhập ngoài lương cơ bản còn có phần tăng thêm khác để hỗ trợ người lao động.
Mặc dù vậy, bà Linh cho rằng, việc tuyển dụng tại Hà Nội có phần khó khăn hơn so với các địa bàn khác, bởi ngoài mức lương yêu cầu cao hơn, người lao động cũng có nhiều lựa chọn công việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu cạnh tranh với các đơn vị tuyển dụng khác trong thu hút ứng viên.
Khó khăn trong tuyển dụng khiến doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến lương, các chế độ khác để giữ chân lao động.
Nhiều năm làm tuyển dụng, bà Trần Thị Khánh Tuyền – Phó Phòng Tổ chức hành chính nhân sự quản trị Công ty TNHH Du lịch và Thương mại sông Hồng cho rằng sau Tết là thời điểm vàng để doanh nghiệp tìm kiếm người mới. Song mỗi vị trí có yêu cầu riêng mà số lượng ứng viên dù lớn nhưng phần nhiều chưa đáp ứng được đòi hỏi.
Theo bà Tuyền, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập để người lao động gắn bó với công ty.
“Chúng tôi cho rằng đối với công ty, nhân sự là yếu tố cốt lõi. Vì thế, ngoài đẩy mạnh công tác đào tạo, chúng tôi cố gắng đáp ứng các yêu cầu về chế độ để người lao động gắn bó nhất”, bà Tuyền nói rằng đó là cách để doanh nghiệp tránh được biến động về nhân sự tối đa có thể.
Nguồn: Dân trí.
Bình luận