Lao động hết mơ mộng lương cao

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố) đã thực hiện khảo sát nhu cầu tuyển dụng của 43.000 lượt doanh nghiệp với gần 154.000 vị trí làm việc và hơn 76.000 người có nhu cầu tìm việc.

Kết quả cho thấy, nhu cầu tìm việc của người lao động chủ yếu tập trung ở mức lương 10-15 triệu đồng/tháng (chiếm 44,26%), kế tiếp là mức lương 15-20 triệu đồng/tháng (chiếm 24,51%), mức lương trên 20 triệu đồng/tháng cũng chiếm 19,06%, mức lương 5-10 triệu đồng/tháng chỉ có 11,49% số người tìm việc đề xuất, mức lương thấp nhất là dưới 5 triệu đồng/tháng chỉ có 0,68% người tìm việc đề xuất.

Lao động hết mơ mộng lương cao - 1

Thống kê này cho thấy có sự thay đổi khá lớn về nhu cầu tìm việc theo mức lương của người lao động.

Kết quả khảo sát trong năm 2022 của Falmi cho thấy, nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung cao nhất ở mức lương trên 20 triệu đồng tháng (chiếm 38,97%). Năm nay, nhóm lao động tìm việc đề nghị mức lương cao này đã giảm rất mạnh, xuống còn 19,06%, tức là giảm chỉ còn 1/2 so với năm 2022.

Không chỉ thế, nhóm nhân lực tìm việc mức lương khá (15-20 triệu đồng/tháng) trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng không tăng nhiều, chỉ cao hơn năm 2022 gần 7%.

Tăng mạnh nhất là nhóm nhân lực tìm việc mức lương trung bình (10-15 triệu đồng/tháng), tỷ lệ tăng so với năm 2022 đến hơn 18%.

Lao động hết mơ mộng lương cao - 2

Sự thay đổi này của người lao động có nhu cầu tìm việc đã giúp cán cân cung cầu lao động về mức lương cân bằng hơn so với năm 2022. Tỷ lệ người tìm việc theo mức lương đã sát với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Cụ thể, ở mức lương cao (trên 20 triệu đồng/tháng), doanh nghiệp cần tuyển hơn 28.000 chỗ làm việc, chiếm 18,51% tổng nhu cầu nhân lực, gần bằng tỷ lệ tìm việc (19,06%).

Ở mức lương khá (15-20 triệu đồng/tháng), doanh nghiệp cần gần 25.000 chỗ làm việc, chiếm 15,99% tổng nhu cầu nhân lực, cũng không quá thấp so với nhu cầu của người lao động tìm việc.

Chỉ có ở nhóm lương thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng) vẫn có sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu. Doanh nghiệp cần hơn 23.000 chỗ làm việc, chiếm 15,01% tổng nhu cầu nhân lực nhưng chỉ có 0,68% người tìm việc chọn mức lương này.

Lao động hết mơ mộng lương cao - 3
Lao động hết mơ mộng lương cao - 4

Với nhóm lương thấp, doanh nghiệp chủ yếu trả cho các vị trí lao động phổ thông như nhân viên phục vụ, phụ bếp, phụ xe, nhân viên tiếp thị, tạp vụ, bảo vệ, bán hàng siêu thị… Tuy nhiên, ở nhóm công việc này, nhiều lao động tìm việc yêu cầu mức lương cao hơn 5 triệu đồng/tháng.

Bình luận